Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi - tạ tỵ



                            NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI       13
                                                          hồi ký văn học  : tạ tỵ




         Sáng hôm sau, chúng tôi trình diện văn phòng tiểu đoàn.   Tôi cũng không quên đem lá  thư của đại úy Giai gửi thiếu tá Nguyễn Khánh.   Trong khoảng thời gian 1953, cấp thiếu tá lớn lắm, hơn nữa,  quân dội Việtnam mới tổ chức đến cấp tiểu đoàn - nên quyền hành tiểu đoàn trưởng rất rộng.   Tiểu đoàn 13 lo bảo vễ tỉnh Cần Thơ với 4 đại đội.

          Chánh văn phòng thiếu tá Khánh là trung úy Huỳnh văn Tồn ( sau là đại tá,  tỉnh trưởng Gia Định),  bảo chúng tôi về câu lạc bộ nghỉ ngơi, chờ quyết định của tiểu đoàn trưởng.   Vài hôm sau, tôi được trung úy Tồn mới đến văn phòng, cho biết, thiếu tá muốn giữ tôi ở lại Bộ chỉ huy, để thay thế ông ta làm chánh văn phòng cho thiếu  tá Khánh.

          Trung úy Tồn không cho biết lý do, vì sao có sự tình đó.   Tôi trả lời ngay, tôi không thích làm văn phòng, xin đi chiến đấu.   Sở dĩ tôi có quyết định nhanh vậy, vì tôi được 1 sĩ quan ở tiểu đoàn ,trong giờ ăn tối đã cho tôi biết về chuyện này.   Theo sĩ quan đó, trung úy Tồn muốn rời chức vụ, làm chánh văn phòng không có quyền lợi gì hết, kể cả việc thăng cấp khó khăn- hơn nữa, lại phải tổ chức nhẩy đầm, tiệc tùng và mời những cô gái đẹp trong tỉnh đến vui chơi cùng thiếu tá tiểu đoàn trưởng.  Giờ làm việc bắt buộc nghiêm chỉnh, nhiều khi còn phải ở lại đến 9, 10 giờ tới mới được về .  Tôi cũng không hiểu vì sao, bạn sĩ quan kia, chưa quen biết bao giờ, lại khuyên tôi vậy.   Anh khuyên tôi đừng nhận,  thà đi chiến đấu khoái hơn.   Lúc nào" uýnh" trận xong, có quyền   lè-phè, không  ai động tới mình.  Còn làm nghề chánh văn phòng, tuy chữ
" thọ"  vững đấy, nhưng làm hèn con người.   Tôi suy nghĩ   thấy đúng, nên trả lời nhanh vậy.   Trung úy Tồn  ghe xong, bào tôi trở lại Câu lạc bộ chờ lệnh.    Hai đứa   long nhong cả tuần, sau cũng biết, cả 2 đều được bổ  xung cho Đại độ 4 ở quận Phụng Hiệp.

            Đại đội 4 cho xe Jeep lên tiểu đoàn  đón chúng tôi, vào buổi trưa 1 ngày đầu tuần lễ thứ 2, kể từ ngày có mặt tại Cần Thơ.  Quận Phụng Hiệp cách Cần Thơ khoảng 50 cây số, tài xế lái xe là người việt gốc Miên .  Khẩu Carbine  M2 gài vào thành xe, với băng đạn gắn ngược đầu, nối liền bằng 1 miếng vải nhựa.   Về sau, khi đi trận, khẩu súng của tôi cũng có 2 băng đạn đen như vậy,  nó tiện cho việc sử dụng khi cần kíp.   Tài xế đứng nghiêm chào, mời chúng tôi lên xe.  Riệu nhường tôi ngồi phía trước, chiếc xe lướt nhanh trên mặt lộ.   Phong cảnh 2 bên cũng chỉ là ruộng lúa, đôi chỗ có nhà cửa chạy dọc theo con kinh đào.   Suốt đường, chúng tôi  im lặng,  không ai nói  chuyện với ai

            Chiếc xe đang ngon trớn, bỗng từ từ hạ tốc độ, chạy thêm quãng nữa, tôi nhìn thấy 1 chiếc cầu.   Tài xế quẹo tay mặt vào con đường đá, ngay sát bờ sông, rồi băng qua 1 dãy phố nghèo nàn, tôi nhìn thấy tấm bảng xanh, chữ trắng; QUẬN PHỤNG HIỆP.  Nhưng xe không dừng tại quận, mà chạy 1 đoạn đường nữa,  Tôi nhìn thấy 1 doanh trại, với những vòng kẽm gai với bao quát quây kín.   Ngay cổng trại có đặt những con ngựa  gai  và vọng  gác:  chiếc cổng khá lớn có tấm bảng gỗ sơn màu vàng, kẻ chữ đỏ :

                                          TIỂU ĐOÀN 13, ĐẠI ĐỘI 4

và hình chiếc đầu trâu giống hệt Bộ chỉ huy tiểu đoàn vậy.   Anh lính gác cổng kéo cây cản.   Chiếc Jeep lái ngoằn ngoèo, rồi chạy vào doanh trại, đưa chúng tôi đến gặp Đại đội trưởng trình diện.   Đại đội trưởng mang cấp bậc trung úy, người miền Nam, đứng chờ chúng tôi ở bực thềm, rồi sau mời vào văn phòng.
 
             Đây là căn nhà ngói duy nhất doanh trại.   Xung quanh toàn nhà vách nứa, mái lợp lá dừa.   Sau mấy câu xã giao kiểu nhà binh,  đại đội trưởng cho người dẫn chúng tôi đến nơi ở.    Căn buồng dành cho chúng tôi chẳng rộng bao nhiêu, kê vừa đủ 2 chiếc ghế bố, 1 chiếc bàn viết.   Túi quân trang phải tím cách máng vào cây cột nơi góc nhà.   Cuộc đời binh nghiệp bắt đầu.

             Hôm sau, chúng tôi đi lãnh súng, mỗi ngưởi 1 cây Colt 45 và 1 khẩu Carbine.   cây Colt tượng trưng cho sĩ quan chỉ huy, còn cây Carbine để chiến đấu khi lâm trận.  Mỗi người còn được quyền có 1
 " tà-loọc" để lo việc cơm , nước , giặt giũ, sai bảo v. v. ..

              Riệu nắm Trung đội 1, còn tôi Trung đội 2.   Khi chưa có chúng tôi, 2 trung đội này do 2 thượng sĩ điều khiển.   Đại đội tuy có  4 trung đội, nhưng chỉ có 3 trung đội thực sự chiến đấu, còn 1 chuyên canh gác, làm tạp dịch doanh trại.   Trung đội trưởng thường vụ này vẫn do 1 thượng sĩ làm trung đội trưởng.   Khi chưa có chúng tôi, đại đội chì có 1  trung úy đại đội trưởng là sĩ quan,  còn hầu hết là cấp hạ sĩ quan.   Nay tất cả  có  3  si quan- chỉ có  một trung úy đại đội trưởng  quen chiến trận; còn 2 chúng tôi mới ra trường, chưa biết trận mạc, nên chức vụ trung đội phó đều do các hạ sĩ quan ở lâu trong quân ngũ phụ giúp, vì họ có kinh nghiệm chiến đấu.

           Nhưng tôi cũng không  ở đơn vị này lâu, dù tôi cũng đi  hành quân khoảng 20 lần, khắp tỉnh Cần Thơ.  Có những cuộc hành quân liên tỉnh, phải lội sình cả tuần,  nên đã biết thế nào là muỗi ở miệt Hậu Gang- quần áo treillis đầy như vậy, mà  vòi muỗi sắc như kim xuyên qua như không.   Tối, trâu ngủ phải buông mùng, nếu không, muỗi đốt, trâu cũng chết, nói gì tới con người !   Tôi đã biết thế nào là chiến tranh, biết máu đổ, và những giọt nước mắt, cùng tiếng gào thét thảm thiết !    Cảnh bắn giết này đâu phải do người Quốc gia chủ xướng, mà do hoàn cảnh không may của đất nước dẳy đưa.

            Một buổi, sau buổi hành quân, thân xác còn mệt mỏi; tôi nhận được lệnh Tiểu đoàn bộ  buộc trình diện gấp.   Hôm sau, chiếc xe Jeep của đại đội đưa tôi lên Cần Thơ, với túi quân trang như khi xuống, sau khi đã trả lại súng ống, giao lại cho trung đội cho một thượng sĩ gốc Miên.   Có thể nói, đến 70% lính của Đại đội 4 thuộc diện này.   Tôi biết, tôi đã có lịnh thuyên chuyển về Sài Gòn, trong lòng nửa vui, nửa luyến nhớ  trung đội đã cùng mình sống, chết trong mấy  tháng qua.   Con đường từ Phụng Hiệp lên Cần Thơ, hoặc ngược lại,  trong thời gian chiến tranh, thường bị Việt Cộng đặt mìn, bắn xẻ ở khúc quẹo gắt, nơi toàn cỏ lát mọc quá đầu người.  Do vậy, mỗi sáng sớm, có 1 toán chuyên môn đi dò mìn, khi biết chắc con đường an toàn mới thông báo cho đơn vi đóng quân biết để di chuyển  cho an toàn.   Thường ra, muốn an toàn, nên  đi sau 9 giờ sáng.

            Nhưng buổi sáng hôm đó, tôi nôn nóng, không đợi chờ được, nên giục tài xế lên đường sớm, tài xế cười cười, nhe bộ răng vàng chóe:
            -Ủa, thiếu úy không sợ sao ?
             Hỏi lại:
            - Cậu có nhát không ?  Lính chiến hỏi vậy, nghe đâu được ?  Tôi lái  mà !
             i ngồi lên xe, đề máy, còn tài xế ngồi ghế bên, tay ôm khẩu Carbine M2.  Đại đội trưởng cùng Riệu và vài anh em khác chúc tôi lên đường may mắn, nhớ là đừng quên anh em !  Cảm ơn, cho xe chạy từ từ tiến ra cổng trại.  Tôi muốn nhìn lại cái quận này lần cuối, nên lại vòng xung quanh chợ, gần đó có 1 tiệm bán cơm, hủ tiếu Ba Tàu, nơi tôi vẫn thường ăn, sau lần hành quân mệt mỏi, vì lội sình và bị muỗi đốt.   Quận lỵ này  rất hiền hoà, mọi người đều quen thuộc với lính Đại đội 4.  Khi ra trận, họ có thể làm ẩu, nhưng trong quận thì không.   Do vậy, tình quân dân rất đậm đà.
  
            Sau khi lái 1 vòng, tôi cho xe chạy thẳng ra đường cái, nhấn lút ga, chiêc xe lao vùn vụt, dưới ánh nắng sớm mai chưa tan sương mù.  Sỡ dĩ lái nhanh, chính để giữ an toàn sinh mạng, như xe bị cán mìn, với tôc độ cao, sự thiệt hại, nếu có, không đáng kể.   Còn chuyện bắn sẻ cũng không  lo, trừ phi kẻ bắn là tay thiện xạ, bách phát, bách trúng !  Cái đó hơi khó đấy,  đồi với tay du kích thỉnh  thoảng mới bắn 1 viên đạn, xong, giấu súng chạy trốn !  Tôi cố giữ nguyên tốc độ cao, nên từ Phụng Hiệp tới Cần Thơ mất 1 tiếng đồng hồ, nếu đi trung bình, phải mất 1 tiếng rưỡi; vì  có nhiều đoạn đường bị lồi lõm, do sự phá hoại của địch.

          Tôi   quyết định chưa vào Bộ chỉ huy vội, kéo tài xế vô 1 quán ăn bữa no nê, thỏa thích .  Xong, 2 thầy trò mơi quay về tiểu đoàn . Tài xế mang giùm túi quân trang vào Câu lạc bộ , anh nghiêm chào tôi, trước khi lên ghế lái.   Từ đó, tôi và Đại đội 4 không còn gì liên hệ.   Viên quản lý câu lạc bộ đưa tôi lên lầu,  lại đến cái phòng ngủ lần trước.   Để túi quân trang đưới ghế bố,  qua Bộ Chỉ huy trinh diện.
 
               Trung úy Tồn cho biết, tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn, theo lệnh Bộ Tổng tham mưu.  Sự vụ lệnh và giấy tờ thuyên chuyển của tôi còn nằm trên bàn thiếu tá Khánh- chờ ký xong- sẽ chuyển cho thiếu úy.  Về phương tiện thì tiểu đoàn lo, khi nào có, sẽ báo.  Tôi ngồi chờ  tới gần trưa , giấy tờ mới đến tay.

           Như vậy, lại có quyền đi chơi và ăn cơm ở  Câu lạc bộ, đi chơi phố  Cần Thơ rồi.   Nói cho đúng, ở Cần Thơ, tôi  chẳng quen ai, đi mãi cũng chán.  Các cô gái đẹp Tây Đô kiếm hoài mà vẫn chưa  gặp, nều gặp , chỉ nhìn, ngắm xuông, làm gì có hoàn cảnh để giăng lưới, dù khi ấy, tôi vừa tròn 30 tuổi.  Đó là tuổi huy hoàng nhất đời thanh niên !

           Thành phố Cần Thơ nằm  bên dòng sông Bassac, trên bến, dưới thuyền sầm uất. bên kia là vùng thuộc Hòa Hảo, do tướng Năm Lửa trấn giữ.   Dạo ấy, quân đội Quốc gia và Lực lượng Hòa Hảo không ưa nhau, nên các sĩ quan từng ở lâu ở đây,  khuyên tôi,  không nên lớ ngớ qua đó; nhỡ mang hoạ !    Nhưng tôi cũng không ở lâu tại nơi này, 2 ngày sau, có chuyến xe đi Sài Gòn công tác, cũng lại xe Dodge.  Lần này, tôi ngồi ghế trên, cạnh lái xe.   Đằng sau, chở   một đống quân trang cũ và một trung sĩ.-   lại phải 2 lần qua" bắc"  mất khá nhiều thời giờ, đến tận 2 giờ chiếu mới tới Sài Gòn.

           Tôi lại ghé nhà anh chị Độ tá túc.   Và đánh điện về Hànội, báo tin gấp cho gia đình biết; việc tôi  đã được thuyên chuyển, vì trong thời gian ở Đại đội 4 , tôi đã làm đơn xin nhà và phương tiện cho vợ con vào  Nam.
           Tôi nghỉ ngơi 1 ngày, rồi quần áo chỉnh tề tới Bộ Tổng tham mưu, Phòng 5 trình diện.   Đại úy Phạm Xuân Giai niềm nở tiếp tôi, sau còn nghỉ vài ngày để thu xếp chỗ ở, vì  Câu lạc bộ sĩ quan, ngay sát Bộ Tổng tham mưu đã hết chỗ.  Lúc đó, sự thực, tôi chưa biết tính sao về chỗ ở - vì nhà anh chị Độ ở quá xa - đi làm không tiện, mà lấy phương tiện đâu để đi ?  Do định mệnh an bài,, trong đầu tôi, bỗng nhớ tới anh bạn Nguyễn Doãn Chi, làm nghề nhà in, ở hẻm 4 đường Nancy- cái địa chỉ này khi trước, chúng tôi đã liên lạc với nhau qua thư.   Khu Nancy gần nơi làm việc của tôi.   Ngay tối hôm đó, tôi tìm địa chỉ của anh Chi để biết nhà anh,  rồi sẽ tính sau.

            Hẻm số 4 là một con lộ mới làm, mỗi khi có xe hơi chạy qua, bụi tung mù mịt.   Nếu đi từ phía Sài Gòn xuống, quẹo tay mặt chừng hơn 100 thước, sẽ thấy nó.  Đây là 1 khu nghèo của thành  phố Sài Gòn.  Phần lớn nhà bằng cây.  Cái hẻm này còn có nhiều hẻm nhỏ bám vào nó.   Mấy năm sau, con hẻm được tráng nhựa , và có tên PHAN VĂN TRỊ . Nó thuộc vùng Chợ Lớn  , chứ không thuộc Sài Gòn.
 
            Khi tìm được nhà anh Chí, sau những câu chuyện tầm phào, tôi nói với vợ chồng anh , về ý định của tôi, muốn tá túc 1 thời gian, đi làm cho gần, khi nào vợ con tôi vào sẽ tính sau.

            Nguyễn Doãn Chí là em  họ  của  Nguyễn Doãn Vượng,  tay này từng  là chủ nhiệm  tạp chí TRUNG BẮC  CHỦ NHẬT  .  Anh Chí là thợ nhà in, có 1 thới gian làm ở Nha thông tin Bắc Việt- sau anh vào  Sài Gòn,  làm cho nhà in Đông Nam Á.   Tuy không  phải tay nghệ sĩ, nhưng anh có lòng mến yêu những ai là nghệ sĩ .  Anh có tật ở cánh tay trái, không bao giờ duỗi thẳng ra được, nên anh em đặt cho biệt danh CHÍ KHÈO. Anh nghe mà không giận.
           Khi nghe tôi trình bày xong, vợ chồng anh Chí đều hoan hỉ, dù rằng nhà tuy chật chội; nhưng cố thu xếp, tôi có 1 chỗ nằm thoải mái, ở ngay phòng khách, còn toàn gia đình ở buồng trong + căn gác xép.
            Tôi định sẽ đưa trả vợ chồng anh  mỗi tháng 500 đồng tiền ăn ở; nhưng anh chỉ lấy tiền ăn thôi, còn chỗ ở, anh nói :
             -Không có cậu, phòng khách có ai ngủ đâu ?   Kê cái đi-văng, ai đến chơi càng có nhiều chỗ ngồi.
            Mà đúng ra, anh Chí rất ít bạn bè.

              Tôi bắt đầu làm việc ở Phòng 5. Chỉ huy trực tiếp, trung úy Lê Đình  Thạch , trưởng phòng báo chí.  Anh Thạch người miền trung, chuyên viết phóng sự thể thao, dưới bút hiệu THẠCH LÊ.. Trước kia, anh thuộc Vệ binh đoàn của  thủ hiến Phan Văn Giáo ở Huế.   Dáng người thanh nhã, ít nói, làm việc với anh vô cùng thoải mái.  Anh vô Nam làm việc, do sự vận động giữa anh và đại úy Phạm Xuân Giai, vì họ cùng quê.

               Lúc ấy, Phòng 5 có 2 tờ báo, một dành cho sĩ quan, một  cho chiến sĩ.  Tuy trưởng phòng báo chí.
 anh Thạch không viết 1 bài báo  nào ,  dù  đứng tên chủ bút.  Tất cà đều do  THẨM THỆ HÀ  chịu trách nhiệm  phần chuyên môn.   Thẩm Thệ Hà, một nhà văn  miền Nam , đồng hoá cấp bậc thượng sĩ, hay trung sĩ  gì đó - mà anh được cấp giấy phép đặc biệt mặc thường phục, kể cả lúc lảm việc.  Nội dung tờ báo, phần lớn, đều dịch theo sách báo ngoại quốc, thơ văn ít thôi.  Do vậy, công việc cũng không khó khăn . nặng nhọc bao nhiêu.   Hơn nữa, lại có sự đóng góp các cây bút nhà bình, từ đơn vị gửi bài đăng.

              Ngoài ra, chuẩn úy Tô Kiều Ngân phụ trách  viết bài cho cả 2 tờ báo.   Chính thức, còn có 1 số anh em nữa, tuy họ mang cấp bậc nhỏ; nhưng họ có khả năng, đóng góp nhiều vào sự hình thành làm tờ báo lớn mạnh.  Anh Thạch thường đi công tác ở nước ngoài, ở nhà. ngồi bàn giấy, chỉ lấy chiếc nhíp ra nhổ râu, chẳng trò chuyện với ai.   Anh có tật mê cờ bạc, chiều nào, sau giờ tan sở, anh vào khu Đại thế giới chơi trò đen, đỏ.   Chả biết anh chơi ra sao, chỉ biết thiếu nợ tùm lum, hầu như cả phòng đều là chủ nợ của anh.

              Nhà văn Thẩm Thệ Hà , con người này cũng ít nói.   Anh đeo bộ kính trắng dầy cộm, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt trái soan.   Anh đến, đi như chiếc bóng.  Tôi không thấy anh chơi với ai, ngoài bàn chuyện  công việc.  Hình như, anh vào quân đội là lý do bất đắc  dĩ - bộ quân phục, với anh, như 1 sự câu thúc- do vậy,  sự có mặt của anh  trong cơ cấu quân sự, hình như bị lạc lõng.   Nhưng đối với độc giả miền Nam, lúc ấy, tên tuổi anh đã được kính trọng.

              Còn Tô Kiều Ngân, tên thật  Lê Mộng Ngân, anh này có nhiều tài, nào viết, nào làm thơ, ngâm thơ, thổi sáo, hát tân nhạc- da tài nên tài nào cũng ở mức trung bình- chính vì vậy , nên anh không có 1 công trình nghệ thuật nào nổi bật, để đưa anh vào 1 chiếu ngồi xứng đáng như anh em khác.
.  
              Tôi  cũng không quên,  lúc đó còn có mặt trung sĩ Lưu Nghi, người Hội An,  cũng viết báo CHIẾN SĨLưu Nghi có bộ mặt choắt , miệng nhỏ - khi nói, 2 hàm răng viết lại, tài không bao nhiêu, lại có dáng khinh bạc !   Mấy năm sau, Lưu Nghi xin giải ngũ, làm cho Bộ Y tế, rồi theo Cộng sản.  Bị bắt, khai tùm lum, làm nhiều người bị vạ lây.   tên này, theo đúng sách lược Cộng sản, nếu bị bắt, cứ người Quốc gia mà khai.  Hắn hoạt động ở  ban Trí vận , vì quen nhiều   các nhà văn, nhà báo Sài Gòn.   dau 30-4-1975, tên Lưu Nghi đã viết nhiều bài bêu xấu Quốc gia.

              Cùng làm ở Phòng 5 , còn có ký giả Nguyễn Ang Ca, cũng mang cấp bậc trung sĩ , rồi thăng thượng sĩ cho tới ngày giải ngũ.   Nguyễn Ang Ca dáng mập mạp, nhanh nhẹn, tháo vát, anh là ký giả, vừa viết báo quân đội, vừa viết  báo dân sự.   Anh người miền Nam, tính tình bộc trực trong công việc, anh không liên hệ nhiều với tôi, như tôi và  anh Lê Đình Thạch.  
              Sau còn Hà Thúc Cần , tuy cấp nhỏ;  nhưng có học vấn.  Mấy năm sau, xin giải ngũ, làm nghề điện ảnh và bây giờ sống tại Singapore.

              Làm việc ở Phòng 5, còn có thiếu tá Đàm Quang Thiện và đại úy Đái Đức Tuấn ( nhà văn TCHYA) .   Thiếu  tá  Thiện , tôi đã 1 lần nhìn thấy, trong buổi lễ mãn khóa Thủ Đức ; nhưng nhìn xa, không rõ mặt,  nay có cơ hội gần, nên mới biết rõ.  Cả 2 người: Đàm Quang Thiện và Đái Đức Tuấn đều không làm việc thường xuyên.  Mỡi tuần, họ chỉ có mặt chừng vài buổi, muồn đi, đến giờ nào tùy ý, có xe Jeep đưa đón.  Họ là cố vấn cho đại úy Phạm Xuân Giai, về phương diện chuyên môn, hơn là  nhân viên thường.  Thiếu tá Đàm Quang Thiện dáng người tầm thước, sắc da mai mái, khuôn mặt luôn như ưu tư, trầm lắng- ngay cả lúc cười cũng có vẻ gượng gạo -  không hồn nhiên, thoải mái, như nụ cười đại úy Đái Đức Tuấn.   Mỗi lần đến sở, cà 2 đều vào nói chuyện khá lâu với đại úy Giai, sau đó ra ngồi bàn làm việc.   Hai chiếc bàn thường để trống, trên bàn không có giấy tờ chi cả.   Thường ra, 2 vị đó viết  bằng tiếng Pháp - rồi đưa thẳng cho đại úy Giai.    Lúc đó, tôi chỉ biết, họ là nhân vật đặc biệt.   Tôi được Lê Đình Thạch  giới thiệu tôi với cả 2 người.    Dưới mắt họ, tôi chỉ là sĩ quan cấp nhỏ. trẻ, cả 2 chắc coi tôi như đứa em, thường gọi bằng  chú , hoặc tên, nhưng  không kêu cấp bậc.

                Họ mến tôi   ngay từ buổi đầu.   Đàm Quang Thiện ít nói, chứ TCHYA nói cười hồn nhiên .   Khi còn ở Hànội, tôi đã đọc nhiều truyện và thơ của TCHYA, nhất là truyện THẦN HỔ , một truyện quái đản, với " ma chành"  kinh dị.  Thơ TCHYA hay, đối với tôi, thờI  ấy:

                                  ...  Gặp em  hôm ấy, em xinh thắm,
                                        Em mỉm cười duyên mỉa thế gian
                                        Bèo nổi, nước trôi, em vẫn trẻ
                                       Cái già như sợ cái hồng nhan ...
hoặc :
                                       Nghệ sĩ trót sinh giầu cảm lụy
                                       Dẫu tàn thân thế khó quên nhau ! 

              Thơ của TCHYA đăng tải trên nhiều báo , chứ không viết riêng cho 1 tờ báo nào.   Nhưng cả 2, ngoài học vấn uyên bác, còn là đệ tử   Phù Dung Tiên Nữ.   Tôi nghe anh em  kể, Đàm Quang Thiện đang học năm thứ 4  Trường Thuốc, thì bỏ ngang ,  vì chuyện riêng tư gia đình.   Khi đã quen thân, không bao giơ tôi đề cập chuyện này, chỉ biết, anh là  1 con người có 1 trí nhớ siêu đẳng.  Một khi chữ nghĩa đã đi vào tiềm thức , hình như nó ở lì trong đó -  để khi cần- anh lấy ra dùng, như ta lấy đồ dùng trong ô ngăn kéo.   Nói theo kiểu hôm nay, trí nhớ  anh Đàm Quang Thiện  như cái đĩa software cùa máy computer vậy.  Ai cần biết điều gì,  trong cuốn sách nào, anh cho biết ngay nó ở trang bao nhiêu.  Không biết  trí nhớ siêu đẳng  của học giả Nguyễn Văn Tố ra sao , chứ trí nhớ  Đàm Quang Thiện thì tuyệt luân !  Anh rất mê
S. Freud và nghiên cứu về Phân tâm học.   Anh viết và dùng Phân tâm học để áp dụng vào tâm lý  của Thúy Kiều, vì sao mà bạc mệnh ?
  
              Cuốn sách này tuy mỏng, nhưng anh phải để rất nhiều thời giờ cho nó.   Có thể nói, anh  thuộc truyện Kiều và dẫn gỉải truyện Kiều, với những điển tích  mà không cần có cuốn Kiều  trước mặt.  Anh Thiện nói tiếng Pháp rất giỏi, tuy giọng nói của anh không mấy hấp dẫn, nói lè nhè, chậm rãi, như kể chuyện.   Khi nói, đôi mắt anh lim dim, chứ không mở to, như khối óc bị lôi cuốn vào câu chuyện đang nói .
  
              Vào khoảng đầu 1954, Bộ Tổng tham mưu còn rất nhiều sĩ quan Pháp , mọi giấy tờ đều phải viết bằng tiếng pháp.  Trong buổi nói chuyện về chiến tranh tâm lý, anh Đàm Quang Thiện đã nói một hơi, mấy tiếng đồng hồ bằng tiếng pháp, trong tay không có 1 mảnh giấy.  Đại úy Phạm Xuân Giai thấy  lâu quá, ra đấu  để anh ngưng, anh vẫn tiếp tục nói, cứ như không hay biết.   Khi nào anh muốn ngừng thì ngừng.   Sau buổi  thuyết trình, đại úy Giai ngỏ ý trách, anh chỉ cười, rồi nói:
            - Toa phải cho moa nói hết đã chứ, nếu cắt ngang, tụi Pháp tưởng mình ngu !
           Đại úy Giai  cũng đành chịu.    Tính tình anh Thiện rất tốt.  Tôi  chưa hề nghe thấy anh nặng lời với ai, dù người ấy có lầm lỗi.   Gặp ai, dù thân hay sơ, anh cũng bày tỏ cảm tình, qua cái xiết tay, lời thăm hỏi nồng nhiệt.

           Còn đại úy Đái Đức Tuấn  ( TCHYA)  người dong dỏng, đầu tóc lúc nào  cũng chải chuốt gọn gàng.  Anh có khuôn mặt trái soan, bộ ria mép tỉa sén cẩn thận, nằm trên cặp môi dầy.   Dáng dấp của anh nho nhã.  Anh nhiều tuổi hơn Vũ Hoàng Chương, nhưng giống Chương ở điểm : vừa giỏi tiếng pháp , cả chữ hán.   Chữ viết TCHYA rất đẹp, nhất là anh viết chữ hán, lối chữ thảo đẹp tựa bức tranh  thủy mặc.   TCHYA luôn niềm nở tười cười, chứ không kín đáo như Đàm Quang  Thiện
.
          Dạo ấy, chúng tôi làm việc cả chiều thứ bảy, sáng chủ nhật làm luôn - nhưng những giờ chiều thứ bảy, sáng chủ nhật, thường ra  chúng tôi có mặt ở Câu lạc bộ nhiều hơn ở bàn giấy.

          Về rượu mạnh, anh Thiện uống ít hơn , còn anh TCHYA uống được nhiều.   Anh TCHYA thường nói cho tôi biết, các loại  rượu ngon  pháp, cũng nhu tàu- vì có 1 thời gian, anh làm cách mạng ở bên Tàu, do vậy anh biết nhiều về các tỉnh phía nam Trung hoa.   Anh đậu tú tài tây hồi còn trẻ lắm, thi đỗ vào làm tham biện Nha học chính Đông Dương.   Tính tình phóng khoáng, thích văn chương, thi phú,có địa vị, tiền bạc, nên rất đông bằng hữu.   Có thể nói hồi đó, anh giao du với hầu hết những người làm văn học ở miền bắc,  và xóm  Dạ Lạc,  cũng là nơi ăn, chốn ở của anh hàng ngày .

              Anh Đàm Quang Thiện ít tâm sự   với tôi; nhưng anh TCHYA trong giở rảnh rỗi, thường kể cho nghe về cuộc đời luân lạc.  Anh nó về danh lam thắng cảnh  bên Trung hoa, nơi đã đi qua, hoặc đã sống ngày lưu vong nơi đất khách, quê người.   Khi chưa nói được tiếng Tàu, anh dùng lối bút đàm nói chuyện.  Mãi 1 năm sau, anh mới nói được tiếng Quan thoại.   Kể từ ngày đó,  đời sống đỡ vất vả. Ở  bên Tàu, anh làm đủ nghề, miễn có tiền sống qua ngày.  Có khi bị kẹt quá, làm cả chân rửa chén, bát cho tiệm ăn nào đó,  để có cơm ăn.   Nhưng bao giờ,  lúc kết thúc  câu chuyện, anh cho rằng chẳng đâu dễ sống bắng quê nhà.
          "  Nay , ngẫm lại thân phận tôi  sau những năm dài sống nơi đất khách, tuy nhìn được bao kỳ công người văn minh, nhiều cảnh đẹp hùng vĩ  tạo hóa - mà sao lòng vẫn cảm thấy bâng khuâng, tiếc nuối 1 cái gì đó- mà mình không sao tìm thấy ở đất lạ, quê người; đó là  sự ràng buộc tâm hồn mình với cây tre, bụi chuối, đống rơm, đụn rạ, nhất là tiếng nói, câu ru- đã nhập tâm trí  mình từ lúc sơ sinh! "

           Chính thực không phải chờ đến ngày đi lính, làm việc ở Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu, tôi mới biết anh TCHYA, mà còn nhìn thấy anh, trong buổi chiều hè, anh thường mặc bộ quần áo nâu may rộng rinh, theo lối cổ, tay cầm quạt thước, đi bách bộ trên vỉa hè phố  Huế  ( Hànội).

           TCHYA lúc đó đối với tôi, như cái gì  quá xa vời, đến nỗi tưởng rằng, dù cho đi suốt đường đời, cũng không chắc gì làm quen được.  Tôi có nói chuyện này cho anh nghe, anh TCHYA cười rất cởi mở :
           - Hồi đó, chú còn nhỏ, chưa có hoạt động gì về văn chương, nghệ thuật; nên nghĩ như vậy là đúng.   Nhứng khi chú đã bước chân vào khu vườn cấm đó rồi ; trước, hay sau; anh, em mình cũng có lúc gặp nhau.   Thản, hoặc, nếu vô duyên, không có cơ may làm bạn ;    thì :

                                      "  cùng lận đận bên trời một lứa cả ! "

         Nói cho đúng,  trong thời gian ấy, tôi chỉ kính trọng 2 người: ĐÀM QUANG THIỆNĐÁI ĐỨC TUẤN, dù 2 người đều không giúp đỡ tôi gì về sự có mặt của tôi ở Phòng 5 này; nhưng cả 2 đã dạy cho tôi biết, thế nào là tình bạn.   Hai anh cùng ở chung 1 căn nhà  , do quân đội cấp, vì lúc ấy Quân Đội Việtnam còn phụ thuộc vào  Quân đội Pháp ... []
                                                                          
                                                                 (  còn tiếp kỳ 14 )
tạ tỵ

( Nxb Thằng Mõ,   San José 1990 -  tr. 167-  178 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét