Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

nguyễn đạt: thơ hay cõi lưu đày - bài trần áng sơn

những trang sách khép mỡ - trần áng sơn-
nxn tre, tp, hcm, 2002 - tập 1.


    NGUYỄN ĐẠT:  THƠ HAY CÕI LƯU ĐÀY 

      - ...một nguyễn đạt mà thôi, quả thượng đế đã quá ưu đãi !!! 

         (...)
         Hơn 20 năm biết nhau, nhưng  chưa bao giờ tôi nghĩ, mình có thề  trở thành bạn thân của Nguyễn Đạt. Chúng tôi qua khác nhau.   Nguyễn  Đạt cố tạo cho mình dáng vẻ 1 nghệ  sĩ, hình tượng ưa thích của anh là ngôi sao mệnh yểu James Dean.  Anh đi đứng lừng khừng , vẻ bất cần đời từa tựa James Dean, trong Phía đông vườn  Địa Đàng .   Thật ra, tạo   cho mình một vẻ nghệ sĩ cũng chẳng hại gì, xì-tin  ( style)  một chút  cho đời thêm vui, nhưng nếu ngộ nhận, lộng giả thành chân lại là chuyện khác , một dạng hoang tưởng chẳng hạn.   Hoang tưởng là một trạng thái tâm lý bệnh hoạn, nhiễm nặng, có khi  lại nghĩ  mình là Thượng đế.  Thôi, thì làm JAMES ĐẠT  cho vui!   Cũng là 1 cách rong chơi  , ở cái tuổi gió heo may lại về, được rong chơi , cũng đáng gọi là thượng thừa !

        Mặc dù thế, Nguyễn Đạt có 1 đức tính chẳng phải ai cũng có, đó là tính kiên nhẫn .  Để thành công, Nguyễn Đạt chậm rãi từng bước về phiá trước,  thôi miên mục đích  bằng khát vọng.   Cụ thể, để có 1 Nguyễn Đạt  hôm nay, không phân biệt báo lớn, báo nhỏ, báo quận, báo thành phố, trung ương  - tất cả đều là báo  - nơi anh cần để thơ, truyện ngắn xuất hiện trước công chúng càng nhiều càng tốt.   Phương pháp này thường được các diễn viên điện ảnh áp dụng  - thoạt đầu chỉ là vai  phụ -  có khi chỉ  thoáng qua- như mẩu thơ 3, 4 câu đăng tại 1 góc tờ báo.   Nếu có nhiều vai phụ, thì nhiều mẩu thơ được người đọc biết đến, thì tài năng Nguyễn Đạt sẽ được thừa nhận.  

          Đó là kết của  sự kiên nhẫn kèm thực lực sẵn có.   Theo đường này chẳng phải dễ  dàng ! Thường thì, văn, thi sĩ ( tự cho) mình là con Thượng đế, khi họ cảm thấy có thiên tài thì đức kiên nhẫn  ( bỗng) trở thành tào lao !

           Đầu 1992, Nguyễn Đạt tặng tôi tập thơ NƠI BĂNG GIÁ , khi đang uống cà phê với Huy Tưởng. Tôi hơi bất ngờ, một cách thú vị !    Phải thừa nhận, Nguyễn Đạt rất có gu -   tập  thơ trình bày cực kỳ đơn giản, mang 1 chút, ( chịu) ảnh hưởng  từ nhà xuất bản Tự Do  trước 1975 ở  Saigon . ... Cách trình bầy rất riêng, tựa tập thơ thì sắp co chữ   ( corps)  , chỉ bằng co chữ ở trang MỤC LỤC.  Ở đây,  chi nói lên  1 điều, thi phẩm NGUYỄN ĐẠT LÀ NHƯ THẾ , chẳng giống bất cứ ai !   (...)

                 Tâp thơ NƠI BĂNG GIÁ có 3 phụ bản, vẽ bằng bút sắt  của chính Nguyễn Đạt ... tôi nhận ra Nguyễn Đạt, rất có thể, trở thành họa sĩ, nếu yêu hội hoạ.    Nét vẽ có hồn, đường nét rối rắm, ảm đạm ( hình như)  đây mói là đích thực cá tính NGUYỄN ĐẠT ?

                   Đọc NƠI BĂNG GIÁ , tôi  rơi vào cảm giác quen thuộc mà lạ  -  tựa hồ sau bao năm lưu lạc chợt gặp cố nhân- cố nhân vẫn là cố nhân - niềm say mê diễm ảo.. Thơ của Nguyễn Đạt phản ảnh nét hao gầy còn lại của NÀNG THƠ  của những năm 50, 60,   thời kỳ cơn bão hiện sinh  -   nào sư thúc,, sư bá , cỡ J. P. Sartre, A. Camus  chót vót trên tầng cao.   Muốn hiểu được hiện hữu cùng hư vô cùa Sartre , kẻ hậu sinh phải chịu bươu đầu, trán sứt , mỗi khi muốn tìm hiểu,    như khi lao vào vách núi.    Ngay cả tác phẩm văn chương, như Bức tường, Buồn nôn của Sartre luôn luôn được cặp kè theo nách , cùng đi cà-phê, cà-pháo, cả đăng-xinh  , cũng điều dễ hiểu thôi  !  Ngoài sư thúc, bá trên còn sư nương Francoise Sagan, nào Buồn ơi chào mi, Em thích Brahms ... không ? cũng được chuộng.    Những tác phẩm này được chuyển thể phim, thanh niên, học sinh Saigon thưở ấy ,  lên cơn sốt, xếp hàng rồng rắn mua vé đi xem.   Và tất nhiên  văn chương Saigon thuở ấy không tránh khỏi sự hào nhoáng chủ nghĩa hiện sinh này ám ảnh.  Vin vào chiến tranh,  khủng hoảng xã hội, tâm hồn bế tắc, có  kẻ tự cho  tri thức,  trở thành khật khưỡng, lao vào cô đơn, sa đọa  không lý do !   Các môn đồ  choai choai thì yêu vội, sống cuồng, kể cả  chết vội !

             Trở lại với  Nguyễn Đạt ,  đọc   NƠI BĂNG GIÁ,  tôi được sống lại cảm giác thời kỳ ấy -  rất có thể, với  Nguyễn Đạt -   đây là trường hợp duy nhất -  trung thành với  quá khứ của  thập niên cuối cùng thế kỷ XX. :

                                          Đi ra nhà ga  lấy vé tàu
                                          Một vé,một vé anh, cũng đủ
                                          Đi ra nhà ga sửa soạn không lâu
                                          Dù có them áo choàng và mũ
                                          Đi ra nhà ga rất có thể
                                          Và rất cần thiết một đôi giày
                                          Cho bàn chân trái, bàn chân phải nữa .
      
                                                HAI CHIẾC VÉ TÀU / NƠI BĂNG GIÁ

                  Một bài thơ khá dài , theo tôi-    Hai chiếc vé tàu -  khá  tiêu biểu  thơ Nguyễn Đạt, trung tâm  NƠI BĂNG GIÁ.   Dĩ nhiên, với ai khác, có thể sẽ chọn bài khác.  Thơ như người đẹp, mỹ nhân nào khiến ta rung động, thì nàng chính là  hoa hậu lòng ta.   Tôi thích  Hai chiếc vé tàu, bởi  lẽ ấy !

                 Mấy lúc gần đây, Nguyễn Đạt bước sang lĩnh vực văn xuôi- hình như- anh vừa cho xuất bản  tập truyện ngắn...  Tất cả có thể thay đổi , nhưng tâm hồn với nhiều thương tật vĩnh viễn   thì vẫn không thay đổi.   Dú làm thơ, viết văn, viết kịch bản, thậm chí vẽ tranh - vẫn chỉ là :

                    MỘT NGUYỄN ĐẠT MÀ THÔI.  QUẢ THƯỢNG ĐẾ ĐÃ QUÁ ƯU ĐÃI !\
                        []

         TRẦN ÁNG SƠN

 ( NXB TRẺ, TP HCM. 2002- TẬP  1- tr. 279-84 )  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét