Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012
những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi - tạ tỵ - kỳ 19
NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI 19
hồi ký văn học : tạ tỵ
... nguyễn đình toàn, trần phong giao, mai thảo, chủ báo nguyễn đình vượng, thanh nam, nguyễn vỹ, viên linh, phan lạc tuyên, đỗ tốn, tướng nguyễn chánh thi , phạm duy, cung trầm tưởng, mặc đỗ,
lê văn trương, đinh hùng, vũ hoàng chương, bùi giáng,
nguiễn ngu í, họa sĩ văn thanh , nguyễn xuân hoàng ...
Cũng tại quán KIM SƠN này, tôi cũng gặp Nguyễn Đình Toàn, một nhà văn trẻ, được nhà xuất bản Tự Do ấn hành , sau khi đăng trường kỳ trên nhật báo TỰ DO - đó là CHỊ EM HẢI . Theo lời của anh em hồi đó, sau khi đọc, cho rằng tác phẩm nói trên, thuộc loại ĐỢT SÓNG MỚI ! Nguyễn Đình Toàn ít tuổi * hơn tôi nhiều . Anh có mái tóc dày và [ để ] dài, khuôn mặt xương xương, và luôn đeo kính trắng. Nước da xanh mét như người bị bệnh. Thân hình anh cũng gầy guộc như không đủ sức mang cái đầu với vầng trán rộng. Nguyễn Đình Toàn chẳng những viết văn , còn làm thơ. Anh tặng tôi tập MẬT ĐẮNG , tuy không bề thế trên phương diện hình thức , nhưng nội dung thật hay . Tuy mới quen nhau, nhưng tôi mến Nguyễn Đình Toàn vô cùng, vì tính tình anh hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, khi cười miệng rộng, để lộ hàm răng trắng bóng.
Saigon coi như một trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - nên sự gặp gỡ nhau - giữa người này, kẻ khác không khó khăn gì. Cứ mỗi chiều thứ bẩy hay sáng chủ nhật, đi nhởn nhơ trên vỉa hè đại lộ Catinat, Lê Lợi; thế nào cũng bắt gặp những anh em quen biết. Có mấy quán nước anh em thường ngồi là LA PAGODE, BRODARD, GIVRAL và KIM SƠN. Còn quán THANH THẾ tuy có, nhưng ít, vì nằm ở vị trí hơi khuất, ít người qua lại [ hơn ] . Tuy nhiên, quán này thường là nơi gặp mặt của các ký giả.
------
* Giấy khai sinh Nguyễn Đình Toàn : 1936 . Tập viết văn từ Hànội, khoảng 1953, quê Gia Lâm. ban đầu, ký bút danh TÔ HÀ VÂN , hay làm đỏm dáng , kể cả bản thảo, nét chữ đẹp, viết bằng mực tím. Chị em Hải, tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1961. Bạn văn đầu đời là nhà văn NHẬT TIẾN, ĐỖ PHƯƠNG KHANH, DƯƠNG VY LONG, v. v ... Sách mới xuất bản ở Hoa kỳ, Nguyễn Đình Toàn chỉnh lại năm sinh , thay vì 1936, năm sinh đúng : 1930. (TP)
------
Nguyễn Đình Toàn sống sống trong 1 khu nghèo gần Đakao. Khi trước, tôi không được biết anh sống ra sao, bằng nghề gì, nhưng từ ngày có tác phẩm và bắt đầu được chú ý , anh sống hoàn toàn bằng ngòi bút của mình. Anh viết rất ít cho tạp chí, ngoài tờ VĂN của Nguyễn Đình Vượng, do Trần Phong Giao điều hành tòa soạn và tờ VĂN HỌC của Phan Kim Thịnh . Nhưng anh có nhiều tác phẩm được ấn hành, do vậy, số tiền bản quyền cũng cung cấp cho đới sống của anh không đến nỗi quá túng thiếu. Ngoài ra, anh còn làm cho Đài phát thanh Saigon , số tiền cachets hàng tháng cũng đỡ lắm. Nguyễn Đình Toàn không hề bê tha thuốc, sái, tuy có uống rượu , nhưng chẳng bao nhiêu. Anh chỉ đam mê một thứ : đánh xì phé ! Sự đánh bài cũng chỉ chơi quanh quẩn trong vòng anh em, nhưng sự thua được, đôi khi làm cho đới sống mất thăng bằng. Nếu nói về sự nghiệp, quả thực Nguyễn Đình Toàn đã có, và được chứng minh qua những tác phẩm được ấn hành từ năm 1962 tới năm 1975.
Một chiều , tôi đi làm về, trên bàn viết có 1 bao thư đưa tay. Tôi mở ra xem thấy lá thư kèm theo 50 đồng. Đọc thư tôi mới biết là Trần Phong Giao, có ý nhờ tôi, viết bài cho số đầu của tạp chí VĂN, do Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm. Tiền nhuận bút được trả trước . Trường hợp này giống hệt Mai Thảo đã xử [ sự] đối với tôi , khi ra số đầu tờ SÁNG TẠO . Trần Phong Giao, một con người , ngoài văn tài, còn cần mẫn, chăm chỉ và cẩn thận. Trong mấy năm, anh làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn , anh lo hết mọi công việc - từ việc giao dịch với anh em, nhờ viết bài, sửa bản in, trông nom phần mỹ thuật về ấn loát- nghĩa là tờ báo có bao nhiêu việc, anh làm hết. { Còn ] Nguyễn Đình Vượng chỉ lo điều hành việc thu, chi. Mẫu bìa tạp chi Văn, do VĂN THANH trình bầy, tuy không mới, nhưng trang nhã. Mỗi số thay đổi 1 màu. Thỉnh thoảng, tôi có ghé thăm Trần Phong Giao ở tòa soạn trên đường Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình. Nơi làm việc rất chật chội, bên trong, máy chạy ầm ầm; thế mà Trần Phong Giao vẫn bình tĩnh ngồi sửa bản in và viết. Nhiều lần tôi đến , Giao cứ để mặc tôi ngồi, cắm cúi làm việc; còn Nguyễn Đình Vượng mỗi lần nhìn thấy tôi, lại hỏi:
- Chắc cậu cần tiền, bài đâu ?
Đôi lúc, vì nhu cầu riêng, tôi cần tiền thường đến Nguyễn Đình Vượng mượn trước để tiêu, bài đưa sau. Cơ sở Nguyễn Đình Vượng rất phát đạt, vì có 1 chiếc máy in 3 màu, chạy cùng lượt. Chiếc máy này để in thuê, tuy không mấy tối tân, nhưng được cái nhỏ, dễ dùng để in lịch, bìa sách, hoặc phụ bản rất tốt.
Như đã nói, tôi không viết chuyên và đứng hẳn về 1 nhóm nào - do vậy- vấn đề viêt cho tạp chí Văn cũng tùy hứng. Trần Phong Giao luôn luôn có hậu ý, sớ nào có bài của tôi, cũng gửi tới 2 số, để tùy, muốn tặng ai cũng được. Nhưng định mệnh đã buộc Nguyễn Đình Vượng qua đời , khi tờ Văn mỗi ngày 1 thăng hoa. Bà Vượng thay chồng điều hành cả tờ báo lẫn nhà in. Trần Phong Giao tiếp tục làm thời gian, rồi nhường cho Nguyễn Xuân Hoàng , rồi đến Mai Thảo. Từ ngày không còn Trần Phong Giao , tôi ghé thăm Mai Thảo, nhưng không viết.
Sau khi SÁNG TẠO khuất bóng, Mai Thảo cùng Thanh Nam chủ trương báo NGHỆ THUẬT ra hàng tuần. Tòa soạn củng ở đường Phạm Ngũ Lão, nhưng ở phía trên, gần tòa soạn nguyệt san PHỔ THÔNG của Nguyễn Vỹ. Tờ Nghệ Thuật in bìa offset, trình bầy rất mỹ thuật, bài vở xúc tích - Mai Thảo lại nhờ tôi viết bài giùm. Vì nể anh em, tôi lại viết và cho in cả tác phẩm trừu tượng trên trang bìa nữa. Tòa soạn báo Nghệ Thuật về sau còn tăng cường Viên Linh, một nhà văn trẻ, nhưng báo chẳng tồn tại được bao lâu. Bởi vậy, làm báo dễ thôi; nhưng giữ được tờ báo sống thì khó !
Tờ ĐỜI MỚI chết, vì chủ nó làm chính trị, chứ không, còn sống dài dài; vì nó đã đi vào quỹ đạo của tâm hồn độc giả miền Nam từ bao năm trước, cũng như tờ NGÀY NAY của nhóm Tự lực văn đoàn ở ngoài Bắc vậy.
Nơi tôi làm việc [ bây giờ ] có thêm 1 nhà thơ, đó là đại úy Phan Lạc Tuyên . Tác phong của Phan Lạc Tuyên rất nhà binh. Anh thay Đỗ Tốn trông nom tờ TIỀN PHONG. Phan Lạc Tuyên dáng ngưởi hơi mập, đặc biệt mắt lé; nhưng không đến nỗi nào ! Tính tình hơi khô khan một chút, nhưng có lòng với anh em. Anh sống cuộc đời lính chiến đấu lâu rồi, mới ngồi ở văn phòng, nên đôi khi có hành động hơi cứng rắn. Cái gì không ưng ý, anh nói thẳng, chứ không quanh co, hoặc sợ mất lòng ai hết. Người ta biết tiếng Phan Lạc Tuyên qua bài thơ TÌNH QUÊ HƯƠNG , được nhạc sĩ ĐAN THỌ phổ nhạc. Sự giao du giữa tôi và Phan Lạc Tuyên ở mức độ vừa phải, không thân, không sơ. Đặc biệt, anh rất mê tranh của tôi. Anh có ghé thăm nhà tôi 1 vài lần, để xem tranh và bày tỏ cảm tưởng về lối vẽ trừu tượng, mà tôi đang thực hiện, dự tính cho cuộc triển lãm sắp tới. Anh ngỏ ý muốn mua tác phẩm với giá đặc biệt. Tôi đồng ý và chỉ xin mượn lại để trưng bầy khi có triển lãm.
Phan Lạc Tuyên tuy không nói thẳng ra, nhưng qua lời bóng gió, tôi biết anh không ưa chế độ Ngô Đình Diệm. Một hôm, anh lục tủ hồ sơ, vô tình tìm thấy 1 bài viết đả kích ông Diệm, anh biết bài đó ai viết, ở giai đoạn nào. Anh cầm xấp bài, vẫy tôi lại chỗ vắng, bảo:
- Ông ơi, tôi thấy bài này trong tủ hồ sơ, ông hủy ngay đi, nếu ai biết, chắc ông sẽ không [ được ] yên thân đâu ?
Nói xong, anh đưa xấp bài cho tôi. Nhìn chữ viết, không phải là nét chữ của tôi, mà của 1 trong những người thuộc ban biên tập chống ông Diệm dưới thời tướng Hinh - nhưng dù sao, tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi cảm ơn Phan Lạc Tuyên, xé nhỏ xấp bài, quăng vào thùng rác phi tang ! Nhưng Phan Lạc Tuyên cũng không làm chung với tôi lâu . Anh xin được thuyên chuyển qua đơn vị Biệt động quân , nhưng vẫn ở trong ngành Chiến tranh tâm lý ( danh xưng mới của Phòng 5 ).
Rồi tình hình chính trị của miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm không còn êm ả nữa. Những đợt sóng ngầm chống đối đã nổi lên, báo trước những gì sẽ xảy ra, nếu chính quyền không khôn khéo sửa đổi cho hợp lòng người. Nhưng ông Diệm quá tin váo sự ngay thẳng của mình, cũng như tinh thần chống Cộng tuyết đối của chế độ, do ông và gia đình điều khiển- nên mới đưa đên cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi , tư lệnh Nhảy Dù, và các đơn vị Biệt động quân - trong đó có Phan Lạc Tuyên, vào 1960. Cuộc đảo chính thất bại, những tay chủ chốt lên máy báy, qua tị nạn ở Cao Miên ( Campuchia) , trong đó có cả Phan Lạc Tuyên.
Kể từ ngày đó, giữa tôi và Phan Lạc Tuyên không 1 lần gặp lại. Sau những ngày tháng lưu vong nơi xứ người, không hiểu sao Phan Lạc Tuyên lại đi theo Mặt trận giải phóng, ra Hànội , và được đi Liên Xô [ Ba Lan ] học về lịch sử , và có văn bằng phó tiến sĩ. Nhưng theo ý riêng, Phan Lạc Tuyên có đi theo CS, chẳng qua vì không còn con đường nào khác, đâm lao phải theo là, là vậy !
Sau cuộc đảo chính hụt, tình hình miền Nam bắt đầu không yên, tuy nhien sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cũng chẳng vì tình hình chính trị mà ngưng trệ, nó vẫn sinh hoạt đều đầu, coi như mọi biến chuyển đều ở ngoài nó.
Một buổi chiều, tôi và Phạm Duy ngồi uống nước tại LA PAGODE , bỗng có 1 thanh niên mặt mày trắng trẻo, trông ra dáng con nhà, từ ngoài bước vô, đến thẳng chỗ tôi và Phạm Duy ngồi. Duy cười, giới thiệu:
" Cung Trầm Tưởng ".
À, bây giờ tôi mới biết mặt. Tôi ngó Cung Trầm Tưởng, với cái nhìn thiện cảm . Tôi biết anh mới từ Pháp về, qua khó học chuyên môn do Bộ Tư lệnh Không quân gửi đi. Anh có mấy bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và được nhiều người hâm mộ. Tôi không biết Mặc Đỗ đã rõ mặt CTTưởng chưa, từ sau khi bài thơ của anh ta đăng trên tuyển tập ĐẤT ĐỨNG . Vì những lần gặp sau, tôi không hề nghe Mặc Đỗ nói gì về CTTưởng nữa. Qua lần gặp đầu tiên, tôi và CTTưởng không nói gì nhiều với nhau - chỉ có Phạm Duy và CTTưởng nói về tập nhạc phổ thơ được dự định in ra sao. Tôi thấy sự có mặt của mình hơi thừa, nên cáo từ. Về sau, tôi và CTTưởng có nhiều dịp gặp nhau, vì cùng ở trong quân đội. tên thật là Cung Thúc Cần, cháu gọi [ tuần phủ ] Cung Đình Vận bằng bác ruột. (....)
Vào 1 buổi tối, lúc đó cũng hơi khuya, tôi nghe tiếng gõ cửa. Trước khi mở, tôi nhòm qua cửa sổ xem là ai ? Thìa ra nhà văn Lê Văn Trương . Tôi mở cửa mời anh vô nhà và hỏi sao đến chơi muộn vậy ? Lê Văn Trương trả lời, vừa trốn ở nhà thương ra, sực nhớ đến tôi ở gần nhất, nên đến. Sau ly nước trà, tôi nhìn một Lê Văn Trương gầy guộc, nước da xanh xạm . Thật tội nghiệp !.
Anh giơ 2 cánh tay cho tôi coi những đường gân nổi to như chiếc đũa, với những nốt đen, rồi nói:
- Đệ có ý định cai thuốc phiện , nên vô nhà thương Chợ Quán cho họ thay máu, có nghĩa là họ rút hết máu cũ đi, tiêm máu mới vào. Nhưng khốn nỗi, thuốc phiện đã [ ngấm ] vào tận tủy rồi , nên dù có thay máu cũng chẳng đi đến đâu. Mỗi lần cơn ghiển đến, nó hành hạ quá sức, đệ không chịu nổi lâu hơn nữa, nên đành trốn, muốn ra sao thì ra !
Cái lối nói của Lê Văn Trương như vậy. Tôi năn nỉ anh đừng xưng" đệ" với tôi, vì tôi còn thua tuổi anh nhiều. Hơn nữa, cái sự nghiệp văn chương của anh quá lớn, làm sao tôi dám đứng ngang hàng, chứ đừng nói hơn. Nhưng anh không nghe và nhất định cứ xưng hô như vậy. Tôi đành chịu. Tôi biết tiếng Lê Văn Trương từ thuở còn đi học và cuốn MỘT NGƯỜI của anh đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn tôi lúc ấy. Vào những năm 40 , tiểu thuyết Lê Văn Trương là sách gối đầu giường của tuổi trẻ. Vì mê đọc văn anh , tôi cố làm quen với 1 đệ tử của anh và nhờ đưa đến gặp anh tại 1 căn nhà gần CHÙA VUA .
Dưới mắt Lê Văn Trương , lúc ấy, tôi chỉ là 1 cậu bé con- còn anh đã trưởng thành và đang nổi tiếng - sách bán rất chạy. Sự gặp gỡ này không giống như sự gặp gỡ giữa tôi và Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, nó lạnh lùng và xa cách. Tôi nhìn Lê Văn Trương nằm hút với người bạn, chiếc khay đèn thật sang trọng đặt trên tấm thảm hoa rực rỡ. Sau 1 hơi thuốc kéo ro ro, tôi nhìn không thấy 1 sợi khói thuốc nào thoát ra ỡ mũi, miệng, [ vậy ] là nó được nuốt hết. Sau điếu thuốc đó, Lê Văn Trương ngồi dậy, đưa tay cho tôi xiết, xong, lại nằm xuống, không nói 1câu nào. Thấy nản quá, tôi kéo người bạn ra về.
Từ đó, tôi không gặp lại Lê Văn Trương, tuy vẫn đọc sách của anh. Cho tới khi vô Nam, tự anh tìm đến tôi nhiều lần, vì anh có đọc thơ và truyện tôi viết, anh cho rằng tôi viết rất sâu sắc và thơ thì hay ! Tôi cảm ơn anh, nhắc lại câuu chuyện năm xưa, anh xin lỗi - vì khi ấy, anh có nhiều người ái mộ quá, nên anh chẳng biết ai với ai ? Vào Nam, con đường người hùng của anh đã tàn rồi ! Sự nghiệp văn học của anh coi như chấm dứt - tuy anh có viết, nhưng không được đón tiếp như những năm 40 về trước. Do vậy, anh sống rất nghèo, nhưng trong nhà luôn luôn có 1 bầy mèo. Khi anh hút, chúng nằm quây quần bên cạnh, có lẽ, lũ mèo này cũng nghiện khói thuốc phiện !
Một vài lần, tôi và anh có gặp nhau tại tòa soạn SÁNG DỘI MIỀN NAM , anh Võ Đức Diên mời anh viết, để có cớ giúp đỡ anh hút tiền. Nhưng rồi định mệnh cũng lấy anh [ Lê Văn Trương ] đi trong cảnh túng thiếu cùng cực . Anh mất trong bệnh viện, ở khu làm phúc. Đám tang anh chỉ lèo tèo có vài bằng hữu đưa tiễn. Từ ngày anh mất, lũ mèo kêu gào mấy đêm, rồi cũng bỏ đi mất dạng.
Trong những bằng hữu của tôi còn 1, 2 người quái đản lắm.
Một tối, tôi đang ăn cơm, bỗng nghe tiếng trẻ con reo hò ầm ĩ cả lối ngõ. Tưởng có chuyện gì, tôi ra cửa, thấy nhà thơ Bùi Giáng - vaiđeo chiếc bị- đang quí gối lê dần đến cửa, 2 tay chắp ngang ngực, như dang cầu nguyện. Tôi chạy vội ra cửa, dìu Bùi Giáng vô nhà. Bùi Giáng nhìn tôi, như ngạc nhiên, hỏi:
- Tại sao ông nâng tôi dậy? Đến nhà ông Tạ Tỵ, phải đi bằng đấu gối, ông ta mới chịu tiếp !
Tôi biết, Bùi Giáng, 1 nhà thơ lỗi lạc; nhưng chẳng may mắc bệnh tâm trí, nên tôi thông cảm với mọi hành động, cũng như lời nói của nhà thơ. Vào trrong nhà rồi, Bùi Giáng vẫn nhất định không chịu bỏ chiếc bị trên vai xuống. Khốn khổ thay, chiếc bị là cái bao tải cũ đã rách, thòi cả quần áo, giấy tờ ra ngoài. Đã mấy lần tôi định gỡ xuống, đều bị Bùi Giáng ngăn lại. Nhân tiện đang ăn cơm, vợ chồng tôi mời Bùi Giáng ngồi ăn luôn - cái lối ăn Việtnam - thêm đũa, thêm bát, chứ có mất mát gì đâu . Bùi Giáng nhất định không ngồi vào ghế của bàn ăn, mà bưng bát cơm, ngồi phệt uống nền gạch, bắt buộc tôi cũng phải ngồi phệt xuống theo. Thế là, thay vì ngồi ăn trên bàn tôi và Bùi Giáng ngồi xệp xuống nền gạch đánh chén, còn vợ con tôi đứng bên hầu hạ. Vừa ăn, Bùi Giáng vừa nói chuyện trên trời, dưới đất, nào chuyện " mẫu thân Phùng Khánh " cùng giấc mơ kỳ dị ! ( hiện Phùng Khánh đã dâng mình , hiến đời cho đạo Phật và quyết tâm bảo vệ Phật pháp đến cùng dưới chế độ CS hôm nay ).
Bữa đó, Bùi Giáng vừa ăn vừa nói chuyện, đâu đó tới khoảng 12 giờ khuya, mới chịu vác bị ra về. Nhưng chẳng phải 1 lần, còn nhiều lần khác, mỗi lần Bùi Giáng đến, mỗi lần làm tôi bận rộn. Nhưng chẳng biết làm gì hơn là chịu đựng, vì yêu qúy những vần thơ trác tuyệt, với tác phong cúa kỳ tài :
... Thưa em rượu uống bây giờ
Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình
Tài hoa tiếng vọng điêu linh
Phạm đan Phượng chết theo Quỳnh Như sao
Thưa em từ bữa nghiêng chào
Chớm trong đầu chợt sóng trào trường giang
Em đi rắc lá trên đàng
Cỏ xanh rì mọc suốt càn khôn kia
Muà xuân mưa rưới ruộng lìa
Về trong nắng hạ mép bìa sai bâu ...
LÁ HOA CỒN / BÙI GIÁNG
Bùi Giáng chẳng những [ là ] con người của thi ca , mà còn ở cả phạm vi triết học, nhất là giáo lý đạo Phật đã xâm nhập vào trí tuệ làm tâm hồn thi nhân lúc nào cũng choáng váng, cũng mê ngộ giữa ảo ảnh và thực tại, giữa cõi đời ô trọc và thế giới huyễn hóa nhiệm mầu, do các nhà đại tư tưởng của thế giới phác họa.
Còn người nữa là Nguyễn ngu Í [ NGUIỄN NGU Í ] . Tuy NGU Í không có những hành động giống Bùi Giáng, nhưng khi nói chuyện với anh, cũng phải hết sức chú ý- có thể nửa chừng đang vui, anh nổi cơn điên, chửi loạn lên, chửi từ tổng thống trở xuống, không biết sợ là gì !
Sau ngày 30 - 4 - 19785, một buổi sáng, anh đến thăm tôi, khi nói vài câu về tình hình mới, qua chén trà, tự nhiên lên cơn, cứ réo tên của HCM mà chửi, tôi can không nổi. Sáu hồi chửi đã miệng, anh ra về, tôi thở phào nhẹ nhõm ! Anh có thành tâm, thiện chí với tiền đồ văn học. Anh cũng là người có sáng kiến cải tiến lối viết chữ quốc ngữ, nhưng không thành công. Anh quen biết rất nhiều người làm văn học đương thời. Anh đã viết và ấn hành 1 tác phẩm mang tựa đề SỐNG VÀ VIẾT ... , nói về nhiều cây bút tên tuổi. Anh hợp tác thường xuyên với tạp chi Bách Khoa. Ngoài việc viết, vợ chồng anh còn có nghề dạy học, do vậy, đời sống vật chất không đến nỗi nào ! Nguiễn ngu Í, người miền Nam { miền Trung ] , dáng mảnh mai, nói nhanh và nhỏ, nên khó nghe. Cái điên của Nguiễn Ngu Í tuy chưa cao độ bằng Bùi Giáng ; nhưng khi lên cơn cũng lôi thôi lắm. Anh cứ lải nhải nói những chuyện đâu đâu, không dính dáng tới mình, vẫn phải nghe,nhiều lúc cực chẳng đã, phải thoái thác ra 1 việc gì đó cần phải đi, anh mới chịu ra về. Nhưng nay, Nguiễn Ngu Í không còn nữa . Sau mấy năm sống dưới chế độ CS, cơn mê tâm trí càng tăng. Tôi nghe nói, phải đưa anh đi điều trị tại Dưỡng trí viện Biên Hòa 1 thời gian; nhưng cuối cùng ôm đau, bệnh tật và uất hận cũng buộc anh phải vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời. Âu cũng là điều may mắn cho Nguiễn Ngu Í .
( còn tiếp, kỳ 20 )
tạ tỵ
( Nxb Thằng Mõ, San José USA 1990 - tr. 226 - 234 )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét