Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi - tạ tỵ 15

       NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI -  
15

                                       hồi ký văn học : tạ tỵ



             Do sự cổ động, anh em sống ở miền Nam từ trước,  mỗi người múa cuốn MÊ HỒN CA, với giá ủng hộ - muốn trả bao nhiêu, tùy ;  theo tôi được biết, không ai mua dưới giá 50 Vnđ / cuốn.   Do đó, Đinh Hùng có một số tiền để chi phí trong ngày tháng đầu sống tại miền đất mới.

             Còn Vũ Hoàng Chương vô Nam, vời bàn tay trắng, nhưng Chương vẫn sống ung dung, nhờ vào sự trợ giúp của bằng hữu.   Nói đúng,  về đời sống vật chất, cả 2 người, nếu chỉ sống bình thường như mọi người, thi không có ghi để lo lắng, vì giá sinh hoạt ở miền Nam rất rẻ.  Nhưng Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương không chỉ sống bắng cơm, gạo, mà họ còn sống bằng ma túy !  .
             Những rồi tất cả cũng trôi đi, bằng cách này hay cách khác, chỉ biết đời sống cùa thi nhân mỗi ngày mỗi khá hơn, chứ không qúa vất vả như khi còn ở Hànội.

             Một cơ quan ngôn luận hàng ngày chính thức ra đời do người miền bắc di cư điều hành, đó là báo TỰ DO - phong cách trình bày, bài vở tờ báo hoàn toàn cách biệt, khác hẳn với tờ báo đã có ở miền Nam từ trước.   Thoạt đầu, do  nhà báo Tam Lang-Vũ Đình Chí  đứng tên chủ nhiệm, cùng 1 số anh em, như TCHYA, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Như Phong ( tức Tiến mù ,trước làm ở Nha Thông tin Bắc Việt ) , Nguyễn Hoạt , Mặc Thu  và Đinh Hùng.  Phần vẽ tranh châm biếm   do họa sĩ Phạm Tăng phụ trách.   Không ai ngờ Đinh Hùng có thể làm thơ trào phúng hay như vậy ! Bút hiệu Thần ĐăngĐinh Hùng, còn TCHYA chuyên viết phiếm luận. Sau 1  thời gian, vì bận chuyện , nhường mục nay cho Nguyễn Hoạt ( bút hiệu Hiếu Chân).

              Cũng  như ở CHƯƠNG BA, tôi   đã viết; Nguyễn Hoạt, con người thông minh, lại giỏi pháp , hán văn, đọc nhiều, hiểu rộng; nên các bài anh viết trong mục Nói hay đừng  rất sâu sắc. cái lồi dùng văn của Nguyễn Hoạt thật linh dộng, tài tình.   Mỗi vấn đề anh viết, đề cập, khiến người đọc thích thú và kể cả ngươi bị chỉ trích, tuy tức giận đấy, nhưng cảm thấy không bị  hạ nhục !  Lối viết của anh nhằm cải hoá, hơn  là đả kích, vì lòng thù hận hoặc viết cho sướng tay.  Khi viết phiếm luận , Nguyễn Hoạt Hiếu Chân .  Từ ngày vô Nam, ít khi chúng tôi gặp nhau, mỗi người đều có chuyện bận rộn riêng; nhưng không phải vì thế mà nghĩa tình phai lạt.   Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn đi nhậu nhẹt, uống bia ở quán nước ở đầu Ngã 6 để nhắc nhở kỷ niệm cũ.  Đôi khi, Nguyễn Hoạt tới thăm phòng tranh của tôi ở  đường Phan Văn Trị, thì 2 đứa lại có dịp khề khà trước ly rượu mạnh.   Nguyễn Hoạt không am hiểu hội họa bao nhiêu, sở  trường của anh chỉ  ở phạm vi văn chương thuần túy.  Còn Đinh Hùng, sau 1 thời gian làm thơ trào phúng cũng lại bỏ ngang, nhường mục Đàn ngang cung cho Hà Thượng Nhân

              Đời sống của Đinh Hùng đã khác nhiều, so với khi còn ở Hànội, ngoài vấn đề làm thơ - anh còn viết truyện dã sử, ký bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang.  Đinh Hùng viết hấp dẫn lắm,  đối tượng độc già  chỉ ớ cấp trung lưu.    Điều này tôi biết rõ, Đinh Hùng viết lách, cũng như giữ chức trưởng ban TAO ĐÀN  của Đài phát thanh Sài Gòn, chỉ nhằm mục đích phụ giúp đời sống cá nhân, gia đình anh đỡ thiếu thốn, chứ không vì vấn đề nổi tiếng.   Ví dụ,  Đinh Hùng có làm gì đi nữa, thì không bao giờ vượt qua được cái mốc mà Đinh  Hùng tạo ra từ thập niên 40.

             Tôi nhớ dưới chế độ Ngô Đình Diệm có chiến dịch cấm tứ đổ tường...   Trong thời gian này, Đinh Hùng ở trên 1 căn gác nhỏ thuộc vùng Phú Nhuận . Căn gác có cầu thang riêng, chiếc cửa sắt luôn khóa bằng sợi dây xích to, ai muốn đến thăm, phải lắc dây xích đúng mật hiệu - chị Hùng mới xuống mở cửa ; còn không, khách cứ đứng chờ cũng chỉ toi công.   Đôi lúc nhớ nhau, cũng chỉ lại nhớ đến không khí ngày xưa, tôi đến thăm Đinh Hùng vài lần, cũng lắc mạnh dây xích .   Có tiếng chân người   nhè nhẹ xuống thang, đó là chị Hùng,  bây giờ da sắc hồng hào, cổ tay đeo xuyến vàng óng ánh.   Thấy tôi, chị mỉm cười, nụ cười buồn muôn thuở; có lẽ cái số của chị lận đận, chỉ vị nụ cười ấy chăng ?
              Lách mình qua cánh cửa sắt,  xong, chị khoá ngay lại.   Tôi leo từng bước lên cầu thang nhỏ, hẹp.  Chị Hùng theo sau, nói:
             - Anh Hùng ở trong phòng.  Anh mở cửa vào tự nhiên.
              Vặn vào nắm cửa, đã ngửi thấy mùi nha phiến tỏa thơm ngào ngạt.  Đinh Hùng đang nằm nghiêng trên đi-văng.  Ngọn đèn dầu lạc, anh lửa xanh lòe, tưa hồ ánh sáng đom đóm.  Tất cả mọi cửa sổ đều đóng kín, có treo nhiều bó tỏi khô.    Có lẽ đó là cách hạn chế khói nha phiến tỏa ra ngoài chăng, chung qui chỉ ngại có người ngửi thấy , rồi  báo cảnh sát .    Đinh Hùng bảo tôi:
             - Ngồi chơi toa .
              Nếu là ai khác, chắc Đinh Hùng đã nói : " nằm xuống đi".
              Căn phòng tối như bưng , chỉ có chỗ nằm Đinh Hùng là sáng sáng đôi chút.  Chung quanh , sách vở ngổn ngang, bày la liệt .  Quần áo vứt bừa bãi, đó đây mỗi chỗ một cái.   Nhưng nếu xuống phố, thì Đinh Hùng ăn mặc chảu chuốt, chỉnh tề,  tóc thoa dầu bóng, chảu hất về phía sau, dài lấp gáy.   tay luôn luôn ôm chiếc cặp da, trong đó đầy bản thảo thơ  chương trỉnh thi ca TAO ĐÀN.   Ngoài Đinh Hùng , trưởng ban,  người chuyên giới thiệu chương trình qua tiếng nói đầu tiên, ban TAO ĐÀN  còn có các giọng ngâm Hồ Điệp, Hoàng Thư, Nguyễn Thanh, Tô Kiều Ngân, Thái HằngNguyễn Đình Toàn phụ giúp.   Công bằng àm nói, về phía nữ, Hồ Điệp có giọng ngâm truyền cảm nhất, - giọng nam có Nguyễn Thanh, Nguyễn Đình Toàn.

              Hồ Điệp xuất thân từ xóm cầm ca, có giọng ngâm tốt đã đành rồi, với Hồ Điệp chuyên hát ca trù, thì ngâm thơ coi như quá dễ !   Thường thường do Tô Kiều Ngân đệm sáo...    Hồ Điệp có giọng ngâm hạt, tức tiếng ngân rung trong cuống họng và  lấy hơi từ bụng đưa lên, chư không ở cổ hoặc mũi.   Giọng ngâm thơ Hồ Điệp vừa ấm,  hơi lại mạnh; do vậy, âm thanh thoát ra khỏi môi, như có cánh bướm lượn chập chờn, ru người yêu thơ vào cõi huyền hoặc, bao la.   Thái Hằng ngâm thơ cũng được lắm,  nhưng chỉ giúp cho TAO ĐÀN một thời gian thôi.   Có lẽ Thái Hằng thích hát hơn, vả lại Ban hợp ca Thăng Long và các ban khác ở đài phát thanh  đã làm Thái Hằng mệt nhoài rồi !   Những năm về sau, giọng nữ có ca sĩ Hoàng Oanh, ngâm thơ khá hay !   Nhiều người yêu tiếng ngâm Hoàng Oanh hơn cả Hồ Điệp, vì Hồ Điệp nhà nghề quá, còn Hoàng Oanh với tiếng ngâm vẫn giữ nguyên giọng học trò.

               Trong khi đời sống của Đinh Hùng mỗi ngày rạng rỡ, thì Vũ Hòang Chương cũng có vươn lên.   Chương ngoài tài làm thơ, không còn tài nào khác- hơn nưã - tính tình Chương không thích xông xáo như Đinh Hùng.  Con đường duy nhất  để đời sống gia đình Chương đứng vững được, nhờ Chương chấp nhận dạy học tại vài trường tư thục.   Thêm vào đấy, còn được 1 số bạn có lòng yêu thi ca trợ giúp nữa.   Có 1 dạo, anh em đồn Chương trúng số độc đắc 1 trriệu đồng.  Tôi không hiểu chuyện này có thực không và chẳng bao giờ nỡ hỏi thẳng Chương  cả.  Chỉ biết Vũ Hoàng Chương đã mua được căn nhà , ở gần bến Chương Dương,  tranh, bàn ghế mới bầy nơi phòng khách.   Vợ chồng Chương hiếm muộn, xin 1 trẻ từ nhà thương TỪ DŨ về làm dưỡng tử, nuôi nấng , thương yêu như con đẻ.   Gia đình chương sống hạnh phúc cùng tiếng trẻ thơ cười nói bi bô, không vắng lặng như xưa.

              Tôi đến thăm Chương tại căn  nhà đó, ở cuối ngõ,  đi ngang qua nhà Bình Nguyên Lộc độ vài căn.   Nàng Oanh có vẻ phong lưu, dáng điệu ung dung, nhàn hạ, sắc mặt hồng hào, không tái mét như xưa .  Mừng cho đời sống của Chương tới vận khá,  chẳng lẽ Trời đóng cửa mãi sao ?   Còn cái may nữa, vào miền Nam, thơ Vũ Hoàng Chương được nhà xuất bản Phạm Văn Tươi ấn hảnh vào cuối 1974, tập RỪNG PHJONG, gồm những bài thơ Chương làm từ hồi kháng chiến, cho tới  khi về Hànội vài năm sau này, trước khi đất nước bị chia 2.   Vô Nam, đời sống gia đình Chương chẳng những khá, thơ xuất bản nhiều hơn, nhiều tập  được dịch qua pháp ,đức, anh  ngữ phổ biến khắp toàn cầu.

             Nhưng không phải in được nhiều, mà thơ hay, theo ý riêng tôi, không tập thơ nào của Chương vượt qua được tập MÂY cả. Nói vậy, không có nghĩa, thơ VHChương lùi đi, hoặc, nguồn thi ca cạn kiệt!   Không phải vậy, thơ Chương bài nào cũng hay,nếu không hay đi nữa, chặng đến nỗi  tệ, trước trào lưu  tiến hoá , cái gì cũng phải biến đổi- trong khi ấy, có tài năng khác, làm thơ với chiều hướng khác, tư tưởng, ngôn ngữ thi ca cũng đổi khác- trong khi thơ Chương ( chẳng lẽ cứ đứng hoái chỗ ) - tuy vẫn là thơ VHC thật , nhưng hiệu lực không còn như thập niên 60 nữa !  ...

             Sau vài năm, sống gần nhà nhà văn Bình Nguyên Lộc, Vũ Hòang Chương bán nhà, dọn lên phố Bàn Cờ, gần đường Phan Đình Phùng.   Khi tôi viết MƯỜI KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ, trong đó có Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, tôi đến đây lấy thủ bút, chữ ký của Chương để in vào sách ( 1970).    Năm 1970, Đinh Hùng đã qua đời được 3 năm,  tôi đành dùng di bút, chữ ký Đinh Hùng do bạn Văn Thanh cung cấp.
               Đinh Hùng mất vào ngày 24 tháng 6 năm 1967, thọ 47 tuổi, tại  bệnh viện BÌNH DÂN.  Trước khi Hùng mất, tôi lại thăm, Hùng bị nhiều bệnh lắm; nhưng gan là nặng hơn cả.  Tôi không ngờ lần thăm đó là lần chót mà  chúng tôi được  nhìn thấy nhau.  Khi được tin Hùng mất,  tôi vào nhà xác nhìn hùng lần cuối.   Tôi mở tấm vải che mặt, Hùng nhứ đứa trẻ lên 10, buổi sinh thời, vóc dáng Hùng đã nhỏ bé - sau nhiều ngày bệnh tật thấn xác Hùng gầy còm, co rúm lại.   Đinh Hùng mất đi, để lại  vợ và 1 đứa con trai duy nhất, Hoài Ngọc.   Đám tang Hùng được tổ chức rất trọng thể, chôn cất tại Nghĩa trang MẠC ĐĨNH CHI- cũng phải  nói thật- nhờ tướng Nguyễn Bảo Trị khi ấy là tổng trưởng bộ Thông tin  quí mến văn nghệ sĩ, giúp đỡ tiền bạc, kể cả nơi chôn cất đẹp  nhất dành cho  các vị công hầu, vương tước.

                   Đinh Hùng mất đi, để lại 3 tác phẩm:
                - MÊ HỒN CA  ( thơ, Nxb Tiếng Phương Đông  , Hànội 1954)
                - ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ  ( thơ, Nxb Nam Chi Tùng Thư, Saigon 1961)
                - NGÀY ĐÓ CÓ EM (  bút ký, Nxb Giao Điểm, Saigon 1967 ).*
-------
còn 1vài tác phẩm khác, như   ĐỐT LÒ HƯƠNG CŨ ( hồi ký văn học ) , do Nhân sinh xb ở  Sàigon ( 1970?)   (TP) .
--------

       Còn truyện KỲ NỮ GÒ ÔN KHÂU  ký Hoài Điệp Thứ Lang, hoặc thơ trào phúng ký THẦN ĐĂNG - Đinh Hùng chỉ coi như  một cách kiềm kế sinh nhai, chứ không phải cho  văn chương, nghệ thuật, nên gần nhu tác giả tự ý chối bỏ.
 
            Cuộc đời  ĐINH HÙNG không có may mắn, được đi đây đó như Vũ Hoàng Chương.  Từ lúc lọt lòng cho tới khi nhắm mắt, Hùng chỉ sống quanh quẩn  từ bắc vô nam, ngay cả miền trung, với cảnh trí thơ nmộng, sông Hương, núi Ngự- Đinh Hùng chưa lần đặt chân tới.  Vũ Hoàng Chương may mắn hơn nhiều, xuất ngoại đôi ba lần, đã biết ngoài Việtnam, còn bao thứ lạ do nền văn minh tạo nên, cùng cảnh đẹo thiên nhiên mà tạo hoá dành cho mỗi dân tộc- bởi VHChương có 1 thời gian làm  chủ tịch  PEN CLUB VIÊTNAM, Chương được mời đi tham dự các cuộc họp Văn Bút quốc tế.   Trong những ngày xuất ngạoi như vậy, Chương được biết cảnh lạ quê người, do số tiền trợ cấp của Hội văn bút, nhưng Chương cũng phải nuốt thuốc phiện, hoặc tẩm thuốc phiện vào thuốc lá để hút; vì Chương không uống được rượu như Đinh Hùng.  
             Trong tất  cả các khuôn mặt văn nghệ mà tôi quen biết, suốt 1 chiều dài đời sống nghệ thuật, chỉ có 2 người không biết uồng rượu - đó là Vũ Hoàng ChươngPhạm Duy.   Chẳng những thế, Phạm Duy còn không biết cả hút thuốc lá, đánh bạc, ấy là ngoài vấn đề đàn bà.   Còn về các bà vợ nghệ sĩ, chịu đựng được gian khổ, chịu đựng được những cố tật của chồng, lại không hề mở miệng than van; tuy buồn khổ thật đấy- tuy nuốt giọt lệ âm thầm  chày vào trong lồng ngực - nhưng không bao giờ có ý ruồng rẫy, trách móc chồng- đó là nàng  THỤC OANH , vợ VŨ HOÀNG CHƯƠNG ,và THÁI HẰNG, vợ PHẠM DUY - TÔI GỌI ĐÓ LÀ HAI VỊ NỮ THÁNH !  
            Nhưng tôi  vẫn tin rằng, còn nhiều bậc nữ lưu khác, cũng kính trọng chồng như vậy, vì tôi chưa biết đó mà  thôi, nên  chưa  thể viết ra !
            Cuộc sống ở miền Nam trong vài năm đầu, dưới quyền cai trị  chính phủ Ngô Đình Diệm, luôn luôn bị xáo trộn, bởi tình hình chính trị.   Nào quâu đội Pháp  rút khỏi Việtnam, nào truất phế Bảo Đại, nào  gây 1 phong trào chống Cộng   trong dân chúng, cũng như cơ quan chính quyền, nào vấn đề giáo  phái.    v. v...

              Trong lúc rảnh rỗi, tôi thường ghé thăm tòa soạn  Đời Mới, nói chuyện với Hoàng Trọng Miên  và Hồ Hán Sơn- còn Trần văn Ân ít khi gặp - thản, hoặc, nếu có gặp chỉ trao đổi dăm ba câu  xã giao.

              Hồ Hán Sơn, người mập mạp, lùn, nói giọng Nghệ An rất khó nghe, chưa vợ con.   Anh chuyên viêt chính trị, chứ không văn học, nhưng do vậy mà anh không thích văn chương.   Mỗi lần tôi sang chơi, dủ đang viết bài, cũng bỏ đó ra ngồi tán dóc.   Nói loanh quanh thế nào đi nữa,  Sơn cũng lôi chuyện về  chính trị .   Hồ  Hán Sơn không thích chế độ Diệm, lúc ấy, mới quen, nên tôi không biết Sơn hoạt động cho đảng phái nào- chỉ biết ít lâu sau - anh bị thủ tiêu , xác anh nằm dưới giếng cạn thuộc miệt Hậu Giang.  Tôi biết, do Hoàng Trọng Miên nói lại *
---------
*  Hồ  Hán Sơn, đại tá  quân đội Cao Đài , dưới trướng  tướng Nguyễn Thành Phương.  Chủ nhiệm tuần báo Việt Chính  ( Saigon 1955), tác giả bài thơ HẸN HÒ  ( ký Trần Hồng Nam) Phạm Duy phổ nhạc.   Bị  tướng Phương Cao Đài thủ tiêu, ném  xác xuông một giếng cạn,  tại trại quân  đội Cao Đài ở  Bến Kéo ( Tây Ninh), vì nghi làm phản Cao Đài,   ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm..  (TP). 
----------------   
                Hoàng  Trọng Miên cũng không ưa chế độ  Ngô Đình Diệm, nhưng anh rất khôn khéo, không để lộ ra lời nói, hoặc hành động.   Qua nhiều lần nói chuyện, tôi đoán biết anh có khuynh hướng xã hội, dân chủ.   Hoàng Trọng Miên là bạn  thân Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Hàn Mặc Tử.   Anh làm báo chuyên nghiệp như Lê Tràng Kiều vậy.   Nhưng cái số Hoàng Trọng Miên cũng chẳng may mắn gì hơn  Lê tràng Kiều cả.  
            Tòa soạn Đời Mới có thêm một nhân tài nữa, NGUYỄN ĐỨC QUỲNH.  Anh Quỳnh chăm làm việc lắm.  Anh viết được rất nhiều địa hạt khác nhau, kỳ nhiều bút hiệu.  Khi Nguyễn Đức Quỳnh làm việc, người ta chỉ  nhìn thấy chiếc trán thôi.   Truyện của anh viết đều có chủ đề, năng về chính trị hơn văn chương.   PHẠM DUY rất cảm phục Nguyễn Đức Quỳnh, họ quen nhau từ Khu 4 Thanh Hóa.   Nguyễn  Đức Quỳnh ăn nói rất hoạt bát, lý luận sắc bén không thua gì TRƯƠNG TỬU... Nhờ vào sự đọc sách lại chịu nghiên cứu, nên tầm hiểu biết của anh rất rộng.   Mỗi lần gặp tôi ở tòa soạn, anh thường nói đùa:
              - Cậu đeo nhiều tài vào  người chỉ khổ thân, có vui thích gì đâu ?   Tôi như cậu , đem bán hoặc cho bớt đi, bớt gánh nặng !  cậu càng đeo đuổi nhiều, đời sống sẽ ngắn đi; vì lúc nào đầu óc cũng nặng trĩu công việc, cậu nghĩ sao ?
             Nói xong, anh nheo mắt nhìn tôi, cười cười, như trêu chọc.  Tôi trả lời nhỏ nhẹ:
             - Trời đầy đó anh ạ !
             Nguyễn Đức Quỳnh có đầu óc lãnh tụ , anh luôn luôn chứng tỏ khả năng của mình, chẳng những bằng lời nói, mà còn bằng việc làm.   Anh thường cho rằng, những người làm văn học nghệ thuật chỉ để thõa mãn những mơ ước trong đầu, nhất là mong nổi tiếng- mà họ quên khuấy đi cái sứ mệnh thiêng liêng của văn nghệ là phải phục vụ cho đời sống và làm  cho đời sống mỗi ngày tốt đẹp hơn.    Chính vì Nguyễn Đức Quỳnh quan niệm 1 cách rõ ràng như vậy, nên, mấy năm sau, anh mở   Đàm trường viễn kiến tại chỗ anh ở - để mạn đàm viễn kiến, tức là vừa nói chuyện  vừa tranh luận về tương lai của nền văn nghệ Việtnam.  Có nhiều nhà văn trẻ thường đến tham dự, trong đó có Thế Phong, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ ...  Tôi không đến đó  bao giờ, chỉ được nghe vài người nói lại thôi.   Nhưng sự thực,  cái nghề văn nghệ, có ai dạy được ai bao giờ ?

             Một buổi tối,  đang làm việc, bỗng, Hoàng Trọng Miên gọi  điện thoại mối tôi lại nhà chơi vào buổi tối.   Tôi không tiện hỏi chuyện gì, vì lúc ấ ycó nhiều người đứng gần.   Tôi chỉ nói, bằng lòng với giờ giấc mà anh hẹn.
 
              Tối hôm đó,  sau khi cơm nước xong, tôi đến nhà Hoàng Trọng Miên,  trong con ngõ hẻm gần nhà thờ Huyện Sỹ.  Đời sống của Hoàng Trọng Miên cũng thanh bạch lắm.  Một căn nhà vách ván, không có cửa sổ, nhưng phía trên đóng bằng gỗ đan mắt cáo cho thông hơi.   Hoàng Trọng Miên có đạo Thiên chúa, tôi thấy ngay bức vách gần chỗ tiếp khách, chiếc bàn thờ  treo ảnh ĐỨC MẸ MARIA , đèn, nến lỉnh kỉnh bấy biện trang trọng.   Thấy tôi, Miên, từ sau tấm màn vải hoa đã bạc mầu, bước ra, với nụ cười như thường lệ.   Vầng trán của Hoàng Trọng Miên cũng cao lắm, nhưng nó gồ ra, chứ không thẳng như trán Nguyễn Đức Quỳnh.  Chị Miên, một tya bồng đứa con chùng mấy tháng, một tay bưng khay  nước nhỏ.    Chị Miên, người cao ráo, trắng trẻo, khuôn mặt có vài nét phảng phất tây phương.   Ngoài đứa bé bồng trên tay, còn mấy thằng nhỏ, chạy ra, chạy vô.    Tôi biết Hoàng Trọng Miên cũng hơi đông con.   Sau khi hớp xong hụm trà, Miên cho biết ông ALPHANA  KIM THỊNH , chủ tiệm kim hoàn ở đường Catinat, có ý định  xuất bản 1 tờ tuần báo NGUỒN SỐNG MỚI.  Ông Alphana tuy đứng tên chủ nhiệm,  vì là người bỏ tiền, nhưng  anh Miên đứng tên chủ bút, anh Sương, quản lý .  Đường lối tờ báo hoàn toàn văn nghệ, không dính líu tới chính trị, anh em ai muốn viêt gì cũng được; miễn chịu trách nhiệm về bài của mình.   Hoàng Trọng Miên có ý định mời tôi cộng tác, vừa viết bài, vừa minh họa báo, trả lương khoảng 2000 đồng / tháng.   Quả thức, đây là cơ may gia đình tôi,  vì chúng tôi mới mua được 1 căn nhà ở  Hẻm số 4, còn thiếu nợ 8000 đồng, chưa biết lấy gì thanh toán cho chủ nhà - tuy chủ có nhã ý cho góp dần hàng tháng.   Tôi nhận lời ngay, Hoàng Trọng Miên cũng vui vẻ, đưa cho tôi đề mục tờ báo đễ vẽ vignette.   Sự thực, công việc  cũng không mấy vất vả- phần chính- tôi minh  họa các truyện ngắn, còn bài có cũng được, không chẳng sao !  Nói chung , báo Nguồn Sống Mới, nội dung đứng đắn  , trình bày trang nhã, nhưng chẳng hiểu sao báo bán không chạy.   Do vậy, lỗ quá lớn, dù cho ông Alphana Kim Thịnh là chủ tiệm bán kim cương, giàu vậy, cũng không kham nồi !    Sau 16 số ra đời, tờ báo ngưng .  Nhờ 4 tháng làm cho báo Nguồn Sống Mới, tôi có tiền trả nợ hết căn nhà.   Vợ tôi mừng húm !

             Trở lại  công việc sở, Phòng báo chí mới thâu nhận thêm 1 trung úy  từ  Bảo chính đoàn  chuyển qua- đó là nhà văn ĐỖ TỐN - tác giả HOA VÔNG VANG , tập truyên do nhà xuất bản ĐỜI NAY  của nhóm Tự Lực văn đoàn ấn hành.   Tôi biết Đỗ Tốn từ ngày còn ở Hànội.   Anh là con 1 điền chủ có trang trại rất lớn ở miền trung du Bắc Việt.   Trong mỗi dịp hè, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ v. v. ... thường lên trang trại  nghỉ mát, săn bắn, hoặc hoạt động chính trị với những người anh của Đỗ Tốn.   Do vậy, dù Đỗ Tốn còn trẻ, chưa có tên tuổi trên văn đàn bao nhiêu, cũng được nhà xuất bản  Đời Nay đặc biệt chú ý.
             Hình như cả gia đình  Đỗ  Tốn  đều hoạt động cách mạng , theo Nhất Linh- do vậy- khi Việt Minh lên nắm chính quyền, mọi người đều lánh qua Trung hoa để hoạt động, trong đó có cả Đỗ Tốn.

              Đỗ Tốn có gương mặt trí thức , với bộ râu quai nón, lúc nào râu cũng mọc lởm chởm, chạy òng theo khuôn mặt, trông thật nghệ sĩ !   Vóc dáng tầm thước, mảnh mai, ăn nói dịu dàng, mực thước - luôn luôn kèm theo nụ cười , nửa thân mật, nửa kiêu bạc.  Vốn con nhà giàu, nên anh tiều xài rất sang.   Khi nào gặp, anh cũng lôi vào quán rượu  TAVERNE ROYALE  ở góc phố  Tràng Tiền *  tuống, bất kể đắt rẻ.
------
* đúng ra nằm trên đại lộ  Đinh Tiên Hoàng( nhìn ra Hồ Gươm )  phải đi 1 quãng nữa mới tới ngã tư Tràng Tiền . (TP).
---------- 
               Đỗ Tốn  thường cỡi mô-tô , coi có vẻ 1 thể tháo gia, tuy mới 30 nhưng lúc đó anh đã nghiện thuốc phiện.   Vấn đề này, ít người biết, chứ không như trường hợp Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng.   Sở dĩ tôi biết Đỗ Tốn cặp kè nàng tiên nâu do họa sĩ Hoàng Lập Ngôn tiết lộ.  Hoàng Lập Ngôn biết rõ việc này, vì quen thân Đỗ Tốn , có đôi lần, cùng nằm chúng bàn đèn chung vui !   Hoàng Lập Ngôn chỉ hút chơi thôi, như Nguyễn Đức Nùng, Thiếu Lang, chứ không bị Ả Phù Dung quyần rũ, rồi bị trói chặt như nhiều anh em nghệ sĩ khác.
 
             Cũng vì sự quen biết từ trrước, nên sự có mặt của Đỗ Tốn trong Phòng 5, coi như không có gì đổi khác.   Lê Đình Thạch hàng ngày vẫn ngồi nhổ râu, nhìn anh em làm việc.   Đỗ Tốn thayThẩm Thệ Hà  được giải ngũ,  Đỗ Tốn trông coi bài vở báo TIỀN PHONG, báo dành riêng sĩ quan.   ĐỗTốn có mặt  ở miền nam sau Hiệp định Genève, nhưng phải 1 năm sau anh mới chuyển về Phòng  5 .

             Trong những tháng đầu, Đỗ Tốn làm việc bình thường như các sĩ quan khác, nhưng khi rảnh rỗi, anh thường to nhỏ với Lê Đình Thạch về vấn đề đánh bạc làm sao cho khỏi thua ?   Đỗ Tốn, ngoài nghiện hút, còn mê bài bạc cái mê này chẳng thua gì thuốc phiện !

            Một buổi, không hiểu sao,  Đỗ Tốn đem chuyện đánh bạc ở Kim Chung ra nói cho mọi người cùng nghe , nếu muốn ăn to thì khó- chứ kiếm và chục ngàn/ ngày chẳng khó khăn gì ?  Nói xong, anh giải thích cách đánh theo lối tính xác xuất rất khoa học, làm mọi người phải thừa nhận có lý.   Tuy biết ậy, nhưng chẳng ai chịu góp tiền  nhờ anh đánh giùm cả, dù anh nói có bảo đảm -  ai đưa 100 đồng chiều nay, sáng mai sẽ  anh sẽ đưa lại 120 - như vậy lời 20 đồng  trông thấy.   Hầu như ngày nào anh cũng đề cập chuyện này, và cho biết, một tháng, anh kiếm thêm  từ 600 đến 1000 đồng ngon lành !    Mưa dầm lâu cũng lụt, anh nói mãi,  chứng minh bằng mọi cách; anh em siêu lòng- góp mỗi người 100 đồng- trong đó có tôi -  và quả thức sáng hôm dau anh đưa lại  120 đồng.    Chừng mấy hôm sau, thấy sự đưa  tiền  đi, lấy tiền lại thật bất tiện - anh em đề nghị tiền vốn anh cứ giùm, chỉ đưa tiền lời thôi.    Sau này, câu chuyện đánh bạc chẳng còn kéo dài được bao lâu, một tuần sau- Đỗ Tốn đến sở với nét mặt buồn bã- cho biết,  đã thua cả vốn lẫn lời !   Anh còn ai muốn gỡ vốn, lại đưa tiếp 100 đồng, bảo đảm trong 1 tuần sẽ trả lại 200 đồng- anh thuyết phục bằng mọi cách,nhưng  chẳng ai  đưa tiền nữa.
 
            Riêng Lê Đình Thạch  nợ chồng chất chuyện cờ bạc thua. Đỗ Tốn, một nhà văn, tuy không nhiều hơn 1  tác phẩm, anh viết rất vũng.   Tác phẩm HOA VÔNG VANG  đến nay vẫn được nhiều người nhắc nhở.  Anh chịu ảnh hưởng lối viết của Thạch Lam.

           Đỗ Tốn đã mất  tại Saigon trên 20 năm,  chôn cất tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi,  đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, phần đông vẫn là  văn nghệ sĩ quen biết.   Nay nghĩa trang này đã bị san bằng để xây dựng một công viên lớn , chẳng biết hài cốt của  Đinh Hùng, Đỗ Tốn và nhiều người khác được chuyển tới nơi nào ?
           Còn  Lê Đình Thạch sau 6 năm học tập cải tạo, sống thiếu thồn, rồi qua đời ở Saigon vào 1987. []

                                                                                                              ( còn tiếp theo, kỳ 16 )
 tạ tỵ

( Nxb  THẰNG MÕ,   San José USA - tr.   178  -   200 )
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét