Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi - tạ tỵ - 17



                      NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI     17
                                                         hồi  ký văn học : tạ tỵ

... nguyên sa, mai thảo, hoàng anh tuấn, nhà giáo nguyễn sỹ tế, luật sư trần thanh hiệp,  nghệ sĩ hoàng thư, nhà giáo nguyễn duy diễn, thái thủy, thanh nam, nguyễn minh lang, ca sĩ tâm vấn,  phan lạc phúc ( ký giả lô- răng ) , cung trầm tưởng, mặc đỗ, luật sư  nghiêm xuân hồng, quách thoại, đinh hùng, vũ hoàng chương, lãng nhân ,  đinh từ thức, (nhà báo  sức mấy) TCHYA , họa sĩ duy thanh, ngọc dũng. nhạc sĩ ngọc bích  ... 


      Từ đầu 1954, khi tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn, ngoài thì giờ làm việc tại sở và nhưng công việc linh tinh, nhằm mục đích kiếm thêm tiền, để có phương tiện mua dụng cụ vẽ tranh.   Những ngày nghỉ, tôi không đi đâu chơi và ngay cả những buổi tối rảnh rỗi, tôi ngồi trước giá vẽ để sáng tác những họa phẩm lập thể.   Tôi có ý định sẽ  làm việc cho tới khi nào đủ 50 họa phẩm, sẽ mở cuộc triển lãm tại Sài Gòn.   Ngoài những bức sơn dầu, tôi  vẽ cả loại tranh bằng bột màu ( gouache) .   Loại bột mày không bền bằng sơn dầu , vẽ ít công phu hơn; nhưng nó có cái đẹp riêng, nhất là giá bán lại rẻ, dễ có người mua.   Tôi làm việc một cách đều đặn, nhưng số [ lượng] tác phẩm mà tôi dự định sẽ trưng bầy, cũng phải mất 5 năm mới có thể hoàn thành- trung bình mỗi năm, tôi vẽ được 10 tấm.   Khuôn khỗ mỗi bức tranh không to lắm, trừ 1 vài tấm được coi là then chốt, phải bỏ nhiều công lao, ngày giờ để thức hiện dần dần, mỗi ngày một chút, cho tới khi tác phẩm hoàn thành.   Sự thực vẽ tranh theo kiểu này cũng mất đi nhiều hứng thú, vì sự mê cảm do sắc màu quyến rũ bị cắt đứt luôn luôn; nhiều lúc làm nản trí.    Nhưng dù hoàn cảnh có khó khăn đến đấu, tôi cũng phải cố thực hiện cho bằng được một phòng triển lãm, như tôi đã làm tại Hànội vào 1951.   Cái gì đến sẽ đến. 

         Phòng triển lãm 50  hoa phẩm lập thể đầu tiên  tại Sài Gòn   được tổ chức tại  gian phòng triển lãm Sở thông tin , đầu ngã 3 Catinat + Lê Lợi.   Ngày khai mạc phòng tranh thật tưng bửng rực rỡ.   Nhờ có quảng cáo trên báo chí,  nên trước giờ khai mạc đã có đông người yêu hội họa đứng chờ sẵn trước cửa.

       Tôi nhớ, người cắt băng khánh thành là ông Trần Ngọc Châu  [  Nguyễn Hữu Châu  ] , chồng bà Lệ Chi, khi đó là  bộ trưởng phủ Tổng thống ( anh rể bà Ngô Đình  Nhu).  Ông Châu mua bức tranh tượng trưng, sau khix em hết phòng tranh.  Người đi xem túa vào phòng tranh, không có chỗ chen chân.   Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến không khí phòng tranh Hànội năm  nào !  Trong lòng tôi vô cùng vui sướng, vì không ngờ tác phẩm của mình được hâm mộ tại miền Nam  [đông ]như vậy !   Đây cũng là lần đầu tiên, dân chúng Sài Gòn, được thưởng ngoạn một lối vẽ mới, từ  xưa chưa có.   Trong nửa tháng mở cửa, ngày nào cũng đông người xem như vậy- tôi phải mướn 1 người thay mặt tôi , biết ngoại ngữ để  giao tiếp với khách quốc tế.
          Người đó, cô cháu gái của nhà văn Mặc Đỗ, dáng người khá xinh đẹp, khiến Phòng triển lãm thêm sinh động- vì chính cô cũng là  1 tác phẩm sống.    Trong thời gian triển lãm, các anh em thường đến xem tranh và nhân tiện gặp nhau nói chuyện, hoặc đưa nhua qua Givral, hay Brodard  uống cà phê.   Nhà trhơ Thanh Tâm Tuyền   ngày nào cũng có măt tại đó- chẳng phải mê tranh tôi đến thế đâu - mà Thanh Tâm Tuyền mê cô cháu gái của Mặc Đỗ.    Trong thời gian này Thanh Tâm Tuyền  đã khá  nổi tiếng về những bài thơ tư do đăng trong SÁNG TẠO.   TTTuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, dáng người tầm thước, khuôn mặt sắc cạnh, nhất là  cặp lông mày  vừa rậm,  vừa xếch, trông có vẻ dữ tợn và chiếc mồm khá rộng.   Trông bề ngoài, anh không có vẻ gì là thi nhân; nhưng khi đã gần nhau và  nghe anh nói, một giọng nói trầm ấm, thiết tha, nụ cười độ lượng; lúc đó cái chân tướng thi nhân của anh mới xuất hiện.   Nhưng TTTuyền tuy yêu, mà không bao giờ dám nói thẳng với người mình yêu những lời đã sẵn có ở trong tim- mà mối tình giữa TTTuyền  và cô cháu Mặc Đỗ là mối tình câm.   Nó chỉ kéo dài tới ngày phòng tranh bế mạc.   Nhưng tôi tin, hình ảnh cô gái đó, sẽ in  đậm mãi mãi trong tâm hồn TTTuyền, dù về sau T.T.Tl ập gia đình với người yêu thơ mình cũng khá đẹp.
         Công việc sửa soạn cho phỏng tranh ra đời tốn sức  bao nhiêu, thì  khi xong, vấn đề thu xếp mang về và giao  tranh có người mua cũng tốn khá nhiều thì giờ.   Số tranh còn lại, dần dà cũng bán hết, có 1 vài bức, tôi hủy đi vì chưa đạt.

          Sự giao du của tôi ở miền Nam cứ nới rộng dần, vì tôi đã có chỗ đứng trên mảnh đất văn nghệ [ Sài Gòn].   Tờ Sáng tạo ra đời, do Mai Thảo chủ trương , nhưng đằng sau còn có Trần Thanh Hiệp, Quách thoại, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền và các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng v. v. ... Tất cả tên tuổi trên đây   dều chung lập trường chống Cộng, vì họ bị CS đuồi từ bắc vô nam, một số [ khi ấy] còn là  sinh viên .
           Mai Thảo hồi đó trẻ và dễ thương, đã đến tận nhà, mời tôi viết cho Sáng tạo.   Mỗi bài viết,  anh đều trả nhuân bút đàng hoàng .    Tờ Sáng tạo có mặt, gây 1 không khí mới trên thị trường chữ nghĩa miền Nam.   Nói cho đúng, từ ngày có tờ Sáng tạo, mới có Mai Thảo,  và các anh em cùng nhóm.   Tôi không thuộc nhóm nào, luôn luôn tôi ở tư thế độc lập, không bao giờ muốn nổi tiếng vì [ phải] nương tựa vào kẻ khác , hoặc bè phái.   Cho tới hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên thái độ như vậy.   Có nhiều người nói, tờ Sáng tạo ra   đời được , là do quỹ này quỹ nọ, quỹ kia.   Riêng tôi, không cần biết, tôi chỉ biết mục đích của nó là chống Cộng và phụ6c vụ văn hóa, văn nghệ là đủ.   Phải thừa nhận, tờ Sáng tạo đã có công khai phá , mở ra 1 chân trời mới cho hướng đi của văn nghệ.   Nó không [ thừa ] nhận  những giá trị cũ, tự nó hình thành những công trình, do sự đóng góp của nhó, anh em đồng chí hướng.   Nó đã mở đường cho nhiều nhà văn, nhà  thơ trẻ, nổi bật nhất là  Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa  * v. v. ...
-----------
Nguyên Sa gặp tôi ( đâu đó khoảng đầu năm 1960)  ở hiệu sách PORTAIL   trên đường Tự Do , anh cải chính là không ở trong nhóm SÁNG TẠO  như tôi viết trong NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950-1956 ( tập 3 trong bộ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆTNAM 1900-1956 /  THẾ PHONG  ). 
--------- 
         Trong nhó, Sáng tạo, người nào cũng dễ thương; nhưng không may nhất, phải kể Quách Thoại, vừa bị lao phổi, vừa nghèo.   Thơ Quách Thoại rất hay, tính tình lại hòa nhã.   Một đôi lần, anh có đến thăm tôi để xem tranh,   một đôi khi anh phát biểu  về mầu sắc và hình thể.   Qua nhận xét, tôi thấy Quách Thoại ngoài tài làm thơ, anh còn có 1 kiến thức về hội họa khá sâu sắc.   Nhưng tài hoa thường mệnh yểu, Quách Thoại đã mất trong sự đau khổ và bệnh tật và túng thiếu.   Anh để lại 1 khoảng trên thi đàn Việtnam từ đó.   Quách Thoại dàng người tầm thước, nước da trắng do bệnh hoạn, nói tiếnggiọng]  miền Trung rất dễ mến.   Đôi mắt lúc nào cũng mơ màng như đắm chìm vào trong mộng.   Tuy bệnh hoạn và túng thiếu, nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy Quách Thoại than thở- có lẽ - giữa tôi và Quách Thoại chưa đủ độ thân để có thể tâm sự, có thể nói ra những điều thầm kín nhất, như tôi và Vũ Hoàng Chương chăng?    Khi trẻ, lúc còn ở Hànội, khi túng tiền VHChương thường đến chỗ tôi làm việc, lừng lững đi vào, dáng điệu bất  cần thiên hạ .  Gặp, VHChương nói với tôi 1 câu quá quen thuộc:
          " Ngươi có tiền đưa ta chút ít tiêu. "

          Nói chỉ ngắn gọn như vậy tôi, chứ VHChương không nài nỉ, không tả oán ,trước khi nói chuyện tiền.   Cũng như TCHYA, khi cần tiền, thường hỏi Lãng Nhân, khi anh làm giám đốc Kim  Lai ấn quán .
 (  TCHYA viết thư bằng tiếng pháp , chứ ít khi gặp mặt).    Lãng  Nhân  lạicho người cầm tiền ,bỏ sẵn vào bao thư  mang đế tận nhà TCHYA.  Chuyển [ kể] trên 100% là sự thực, vì anh Lãng Nhân thường đưa cho tôi xem thư của TCHYA, vì cả 2 đều coi tôi như em, vì ít tuổi.

          Trong nhóm Sáng tạo, nói cho đúng, tôi  không thân với ai lúc đó, chỉ có trường hợp gặp nhiều hay ít thôi.   Người tôi thường gặp là Thanh Tâm Tuyền , sau đó là Doãn Quốc Sỹ; còn Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ tế, thì hoạ hoằn mới gặp, nói  vài ba câu tầm phào làm vui chuyện mà thôi.
           Nhưng tôi cũng chỉ viết cho Sáng tạo một cách tài tử , chứ không thường xuyên; hơn nữa, khi Sáng tạo mới ra đời, cần có những tên tuổi đóng góp  để gây uy tín cho tờ báo, nhưng sau khi nó đã có chỗ đứng rồi và nhất là có nhiều tài năng mới tiếp sức, nó không còn cần đến sự trợ lực của lớp  người đi trước nữa.   Đó là cái luật chung của nghề làm báo, đỡ phải trả tiền nhuận bút, lại có thêm nhiều tài năng mới  làm tờ báo có hướng đi hợp với trào lưu đươngt hời, dưới những mỹ tự, nhằm ngụy trang lòng tham của các vị chủ báo.  Bây giờ cũng vậy !

            Vào đến  miền Nam, tôi mới quen nhà văn Mặc Đỗ .  Trông bề ngoài, Mặc Đỗ giống như công chức, nghĩa là dáng điệu rất mẫu mực, ăn nói từ tốn, đắn đo; chứ  không phát ngôn bừa bãi.   Nói cho đúng, Mặc Đỗ chuyên về dịch, chứ ít sáng tác.   Mặc Đỗ đeo kính trắng, lúc nào mày râu cũng nhẵn nhụi, bạn rất th6n của Vũ Khắc Khoan và Nghiêm Xuân Hồng.
            Mặc Đỗ và Nguyễn Mạnh Côn chuyên viết phần bình luận bằng  tiếng pháp cho Đài phát thanh Saigon, còn đọc, do nữ ca sĩ Minh Trang (  Minh Trang có tú tài pháp).  Mặc Đỗ   không làm báo, nhưng anh có ý cho xuất bản 1 tuyển tập văn chương để minh định lập trường, lấy tên ĐẤT ĐỨNG .   Anh có mời tôi tham  gia vào tuyển tập đó.   Tôi đóng góp 1 truyện ngắn mang tựa đề NHỮNG ĐỨA TRẺ MẤT DẠY
Tuyển tập  có chừng trên dưới 20 người viết, trong đó có 1 bài thơ Cung Trầm Tưởng.   Khi tuyển tập in , [phát hành xong, Mặc Đỗ gặp tôi, ca ngợi thơ Cung Trầm Tưởng hết mình.   Tôi hỏi Mặc Đỗ có biết Cung Trầm Tưởng là ai không  ?    Tại sao lại có thơ in trong Đất đứng ?   Mặc Đỗ nói,  không biết là  ai, chỉ nghe nói trong ngành Không quân thôi.    Sau khi nhận được bài thơ gửi đến, đọc xong, thấy hay quá, bèn cho chạy.   Anh em  sau khi đọc bài thơ đều khen  , cho rằng Mặc Đỗ đã có mắt xanh.   Từ đó, sự nghiệp  thi ca CTTưởng bắt đầu và càng ngày càng chứng tỏ CTTưởng có tài năng và xứng đáng ngồi vào chiếc chiếu dành sẵn chot hi nhân.   Trường hợp của Nhã Ca cũng tương tự như trường hợp của CTTưởng, nhưng người tìm ra Nhã Ca là thi sĩ Nguyên Sa, khi anh đang chủ trương tạp chí HIỆN ĐẠI.
            Bước khởi đầu của tạp chí do người miền bắc điều hành là  tờ Sáng tạo, ít lâu sau Hiện đại,
Văn học, Văn, Thế` kỷ 20  nối  tiếp.   Nguyên Sa  làm thơ từ hồi  còn là sinh viên ở Paris.
             Một buổi, Mai Thảo  đưa Nguyên Sa lại thăm tôi .  Lúc đó, Nguyên Sa mới ở Pháp về còn trẻ lắm, người phốp pháp, cử chi   lịch sự  và  còn giữ nhiều thói quen   của Âu châu qua lối nói và dáng điệu.   Vì sống ở bên Pháp lâu, nên Nguyên Sa ( tên thật Trần Bích Lan)  đã quen nhiều lối vẽ mới, nên khi thấy tranh của tôi treo la liệt khắp vách, tường; anh không nhìn chúng với con mắt ngạc nhiên, mà còn hé lộ cho tôi thấy, nó chẳng có gì khác Âu châu, tuy là mới đối với Việtnam.

             Tôi đã đọc thơ Nguyên Sa   đăng trong Sáng tạo từ khi chưa gặp mặt .  Thơ Nguyên Sa hay, hay lắm !  Nó không quá vồ vập, níu kéo như thơ Xuân Diệu, mà cũng không trầm lặng, kiêu bạc như thơ Huy Cận.   Nó đi giừa cái cực đó.    Nó vừa trẻ, vừa tha thiết, vừa lãng mạn,  trữ tình dễ làm rung động tâm hồn người yêu thơ.   Sáu hồi trò chuyện, trước khi ra về; Nguyên Sa tặng tôi 1 bài thơ, tựa đề NGA .     Bài này  được dùng thay thiếp báo hỉ, mở đầu bằng những câu :

                                    Hôm nay  Nga buồn như con chó ồm
                                    Như con mèo ngái ngủ trong tay anh
                                    Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
                                    Để anh giận, sao chả là nước biển  ! ...

               Bài  thơ rất dài, Nguyên Sa đã   chọn lựa từng chữ để thi ca nói hộ mình những lời tâm sự.   Từ đấy, ngoài Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, lại thêm Cung Trầm Tưởng và Nguyên Sa là những nhà thơ mới khởi đầu sự nghiệp từ miền Nam và sau này còn nhiều nữa với Trần Dạ Từ, Tạ Ký, Trụ Vũ ... v. v.

               Sau lần gặp gỡ thứ 1 giữa tôi và Nguyên Sa, bẵng đí dạo, chúng tôi mới gặp lại nhau, khi anh làm cho tờ báo của bộ Quốc gia giáo dục, cùng với Đinh Từ Thức, tức cây phiếm luận Sức Mấy- Đinh Từ Thức, 1 nhà giáo trông dễ thương và hiền hậu.   Chúng tôi gặp nhau nhiều lần, qua công việc, anh nhờ tôi giúp ophần chuyên môn, nhưng lúc ấy  thật tội không thể ngờ sau này anh trở thành cây viết phiếm luận cừ khôi, rất nổi tiếng- ngay tôi cũng ham đọc, qua lối văn châm biếm , viết rất sâu sắc, dù là văn chính trị, mục đích đả phá chế độ Nguyễn Văn Thiệu.   Tôi và  Đinh Từ Thức   chỉ gặp. quen nhau tróng  giai đoạn ngắn.   Cả mấy chục  năm về sau, không 1 lần gặp lại, nhưng anh đã để lại trong tôi những cảm tình  sâu đậm không hề phai lạt.

               Sáu thời gian làm thơ, dạy học, Nguyên Sa cũng thích trong tay có 1 tờ tạp chí để tung hoành.   Tôi không biết tiền ta báo ở đâu mà có, chỉ biết, có 1 hôm, Thanh Nam và Thái Thủy mời tôi viết cho tạp chí HIỆN ĐẠI, có nội dung y hệt tờ  Sáng tạo.   Tờ Hiện đại ra đời, không nhằm mục đích tranh đua với Sáng tạo; nhưng quả thực,  không hiểu vì sao , tạp chí Sáng tạo càng ngày càng xuống độc giả.   Đã lâu, tôi không còn viết bài cho Sáng tạo; nhưng không phải vì thế, mối giao tình giữa tôi  và anh em trong nhóm Sáng tạo phai lạt.   Tôi có nghe người nói thề này, người nói thế khác, và tại sao Sáng tạo lại xuống dốc; nhưng tôi không mấy để ý, vì nó khôngt rực tiếp dính líu đến đời sống của mình.   Vì hoàn cảnh đẩy đưa, Thanh Nam, Thái Thủy và Hoàng Thư chung nhau mua được 1  căn nhà ở xế nhà tôi.   Thanh Nam ở trong quân đội mang cấp bậc trung sĩ, giải ngũ là thượng sĩ, làm việc tại phòng Phát thanh Quân dội.   Cả  2 kịch sĩ Thiếu Lang vào Hoàng Năm cũng ở trong trường hợp y hệt Thanh Nam, còn Thái Thủy và Hoàng Thư là dân sự.    Thanh Nam dáng người dong dỏng , tính tình hiền hậu, lúc ngồi viết truyện, hoặc nói chuyện đều hay rung đùi.   Thanh Nam, bạn rất thân với nhà văn Nguyễn Minh Lang, người tình đầu tiên của ca sĩ Tâm Vấn.   Thanh Nam rất mến phục Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương.  Đã nhiều lần, Thanh Nam chung vui với Đinh Hùng và VHChương bên cạnh [ bàn đèn] nàng Tiên nâu , nhưng chỉ hút lấy vui, mượn cớ để giúp đỡ   tiền nong cho VHChương và Đinh Hùng.   Thanh Nam thích uống la-de, rượu thì vừa phải.   Anh cũng ham làm báo lắm, ngoài tài viết văn, làm thơ.   Trong thời gian chưa lập gia đình, tối nàoThanh Nam cũng đi chơi với bằng hữu tới khuya mới về.   Khi về, lê gót giầy xền xệt trên mặt ngõ là vợ tôi biết ngay .  Nàng nói khẽ chỉ đủ 1 mình tôi nghe;
          " Đó, anh Thanh Nam đã về, lê giầy làm cả ngõ mất ngủ".
          Tuy nói vậy, chứ chỉ vài phút sau, tôi dã nghe thấy tiếng thở nhẹ, đều đầu [ của nàng] chỉ riêng tôi thì mất ngủ thật !

           Thanh Nam , con người đối xử rất có tình.   Căn nhà anh ở thường là nơi lui tới của bạn bè, tuy ở chung với Thái Thủy, Hoàng Thư - nhưng họ ít đi chơi chung với nhau.   Tôi nhớ mỗi dịp tết, Thanh Nam, thường vì tôi àm tổ chức rút  bất cho vui ; nhưng trước khi ngồi đánh bài, Thanh Nam hỏi tôi, mang sang đây bao nhiêu tiền ?   Nếu [ tôi] mang ít quá , Thanh Nam  bảo về lấy thêm, như vẫy không bõ công ngồi.   Thường thường, những tối chơi trò rút bất , đôi khi có Mai Thảo,  đôi khi có cả nhạc sĩ Ngọc Bích  hoặc vài anh em khác.   Mai Thảo thích chơi xì phé, chứ rút bất, anh chỉ chơi - vì không còn thú vui nào khác - kể cả Ngọc Bíxch cũng vậy.   Mai Thảo chơi bài,  nét mặt không bao giờ thay đổi, do đó, khó mà đoán   được, anh có quân tốt, xấu- còn Ngọc Bích có tài đoán bài rất giỏi, nên thua là thuộc phần tôi, có bao nhiêu tiền mang sang đều bị lột hết!   Nhưng tôi chỉ chơi trong mấy ngày tết thôi, còn  Mai Thảo, Ngọc Bích, Thanh Nam, coi như chôi xì phé quanh năm.  Bạn xì phé còn có Phan Lạc Phúc, tức giả Lô Răng, và nhà văn Văn Quang   cũng là tay chơi xì phé có hạng.    Vì tính tình Thanh Nam dễ thương, nên được nhiều người mến, ngoài ra anh rất hào  phóng trong vấn đề đãi ngộ bằng hữu  - do vậy,  Thanh Nam kiếm ra nhiều tiền, nhưng lúc nào cũng túng.   Cũng vì quen biết nhiều anh em, nên Thanh Nam làm báo, cũng mời được nhiều người tham gia.  
          Nguyên Sa chỉ đứng tên và bỏ tiền , còn chuyện bài vở, vấn đề ấn hành đã có  Thanh Nam và Thái Thủy.  
           Thái Thủy chỉ làm thơ thôi, nhưng không nhiều; chỉ được vài bài.   Phần chính để kiếm sống, Thái Thủy làm cho Đài phát thanh Saigon, trong ban nào đó,tôi không rõ lắm.  Thái  Thủy, người nhỏ thó như đứa trẻ con, nhưng khôn ngoan; do vậy, tuy không có chuyên môn xuất sắc, vẫn sống được.   Còn Hoàng Thư, ngoài giọng ngâm, tuy không nổi bao nhiêu, nhưng nhờ khéo ăn, ở; nên được lòng anh em.   Ngoài cái giọng, Hoàng Thư không có tài nào khác.   Hoàng Thư tuy ăn mặc đỏm dáng, nhưng cũng không che giấu được những nét thô kệch, không có nòi nghệ sĩ như các anh em khác.    Hơn nữa, Hoàng Thư lại ít học,  do đó,  khi nói chuyện, anh thường để lộ ra những cái ngớ ngẩn, không am hiểu nhiều về trào lưu văn nghệ.   Nhưng không phải vì thế mà anh bị anh em khinh khi, trái lại, ai cũng quí mến  Hoàng Thư, vì anh không làm mất lòng ai cả.

           Tờ Hiện đại còn được sự đóng góp  cúa nhà thơ trẻ;  Hoàng Anh Tuấn .  Thơ Hoàng Anh Tuấn cũng hay và mới, thuộc loại trữ tình , dành cho lứa tuổi đôi mươi lúc đó.   Đôi khi Hoàng Anh Tuấn cũng viết truyện  ngắn nữa.  Văn của anh gọn và sắc, có chiều sâu.    Hoàng Anh Tuấn quen Nguyên Sa từ hồi ở bên Pháp.   Trong lúc Nguyên Sa học triết ở Sorbonne, Hoàng Anh Tuấn học nganh điện ảnh .   Khi trở về Sài Gòn, Nguyên Sa còn có cơ hội mở trường học, dạy triết; chứ Hoàng Anh Tuấn  không có môi trường hoạt động; do vậy, cứ lang thang viết văn, làm thơ và đến các trường phim tạo cơ hội kiếm sống qua ngày.   Ngành điện ảnh Việtnam trong thập niên 60  còn phôi thai lắm !   Các chủ hãng phim chỉ nhắm  vào  mục đích thương mại , nên muốn có 1  cuốn phim đứng đắn có tầm vóc quốc tế, thì khó mà thực hiện !   Nói cho ngay, dân trì miền Nam chưa có ý thức thưởng ngoạn điện ảnh theo chiều cao, chỉ  nhắm vào giải trí hơn là nghệ thuật.   Do vậy, tuy có học, có biết, mà Hoàng Anh Tuấn đành khoanh tay đứng đợi.   Hoàng Anh  Tuấn  dáng người trung bình, tuy không cao bao nhiêu, nhưng có đôi mắt rất sáng và tiếng nói đi đôi với nụ cười, vừa hồn nhiên vừa kiêu sa !  Tuấn nói chuyện rất vui, đôi khi có những lời châm chọc, nhưng nhẹ nhàng, chứ không thái quá.   Có lẽ, do sự bất đắc chí , học mà không hành  được ,Hoàng  Anh Tuấn đâm buồn bã, tuy chị Tuấn là 1 người đàn bà  có học, rất thông minh, mà cũng không có cách nào giữ nổi Hoàng Anh Tuấn ngã vào vòng  tay Phù dung tiên  nữ trong 1 thời gian.   Sau này, anh cai nghiện được, còn nhạc sĩ Ngọc  Bích thì không !

            Khuôn khổ tờ Hiện đại cũng hao hao  tờ  Sáng tạo , nôi dung cũng vầy vậy.  Nó chỉ khác, tên người chủ trương và số người cộng tác.   Mọi người có bài viết đều được trả nhuận bát đàng hoàng.   Sau mỗi số phát hành, Nguyên Sa còn mời anh em trong ban biên tập đi ăn tại  Nhà hàng Đồng Khánh ở Chợ Lớn.   Sự sinh hoạt này làm tôi nhớ tờ THẾ KỶ  với Bùi Xuân  Uyên và  Xuân Nhã  ( chị BXUyên  ) . Bữa ăn không có nhiều người,  nên Thái Thủy đã  đặt trước 1 phòng  riêng, do vậy anh em tha hồ nói chuyện như ở nhà.   Mỗi tháng đều có Đinh Hùng và Nguyễn Duy Diễn tham dự.   Vũ hoàng Chương không có mặt bao giờ, tôi không rõ lý do, chắc tại VHChương không tham gia vào ban biên tập .  Nguyễn Duy Diễn, nhà thơ, nhà giáo rất thân với Nguyên Sa.   Tôi biết Nguyễn Duy Diễn từ ngày còn ở phố Nhà thờ Hànội.  Diễn có đạo gốc (  Thiên chúa giáo - TP )  , tính tình hiền hậu, nho nhã.   Anh thường có thơ đăng tải ở các tờ tạp chí, cũng như bài viết, nhận định về văn học, hoặc bàn về Cung oán ngâm khúc, Chinh  phụ ngâm .... Nhưng định mệnh không cho Nguyễn Duy Diễn được góp mặt lâu dài trong cõi nhân gian,  Diễn mắc 1 chứng bệnh ngặt nghè , qua đời ở tuổi trung niên.   Nguyên Sa thương tiếc lắm, lám bài thơ khóc Diễn, đăng trên tờ báo NGHỆ THUẬT do Mai Thảo chủ trương, sau khi Sáng tạo vắng bóng ;

                                    Diễn đã chết , Diễn đã chết
                                    Chúng tôi nhảy máu hò reo
                                    Như những người da đen
                                    Thế là nó thoát, thế là nó thoát
                                    Thoát khỏi ngủ, thoát khỏi ăn, khỏi thở
                                    Khỏi đêm, khỏi ngày, khỏi tháng, khỏi năm
                                    Khỏi chờ, khỏi đợi
                                    Khỏi nhìn  tình  ái đôi nón ra đi
                                    Khỏi hy vọng ban mai, khỏi buồn thiu buổi tối
                                    Thế la nó thoát, thế là nó thoát
                                    Khỏi phải đi, khỏi phải đứng, khỏi phải ngồi
                                    Khỏi bốn mươi giờ dạy học mỗi tuần
                                    Khỏi viết ban đêm, khỏi đến nhà in buổi sáng
                                    Hào quang danh vọng thả trôi sông, này nhìn vai nó nhẹ
                                    Chiếc lưới mở rồi, thế là nó thoát anh em ôi !
                                    Chiếc lưới mở  rồi , thế là nó thoát ...
                                                                   NGUYÊN SA

                                                                                                 ( Còn tiếp theo, kỳ 18  )  

                                     tạ tỵ

 nguồn:  Nxb Thằng Mõ, San Jose  USA , 1990.  tr,  208 - 218.

             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét