Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012
những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi -tạ tỵ - kỳ 20
những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi 20
hồi ký văn học : tạ tỵ
Trong suốt 1 đời sống nghệ thuật, tôi chi gặp có 2 người đăc biệt đó thôi [ Bùi Giáng & Nguiễn Ngu Í ] còn tất cả đều bình thường . Đã lâu tôi không gặp lại Hoàng Trọng Miên và Nguyễn Đức Quỳnh. Bỗng 1 chiều, anh Quỳnh lại thăm và tặng tôi cuốn ai có qua cầu *. Anh Quỳnh trông vẫn vậy , chiếc trán cao vòi vọi, đôi mắt sắc sảo, chiếc pipe luôn luôn ngậm lệch một bên miệng. Anh xem và khen những bưc tranh mới sáng tác của tôi và hỏi bao giờ thì triển lãm ? Tôi cho anh biết, Phòng triển lãm được dự định vào cuối năm 1961.
----------
* tựa sách không viết chữ hoa, lối viết chữ thường, gọi là bdc. ( Nxb Quan điểm loại mới, Saigon 1957. ) Tôi đã cho đăng trọn tâm bút trên < Newvietart.com > Pháp / Từ Vũ - ( TP )
------------
Anh nói :
-... tranh trừu tượng, nếu biết vẽ thì đẹp lắm, nếu vẽ ẩu, coi chán chết- mà tranh của cậu, cái nào trông cũng công phu, tôi tin cậu sẽ thành công.
Tôi cảm ơn anh về nhũng lời khuyến khích nhiệt tình. Đó cũng là lần cuối anh đến nhà tôi, tuy về sau, tôi với anh có dịp gặp nhau vài lần nữa tại nhà Phạm Duy.
Tôi vẫn cộng tác vời tờ Sáng dội miền Nam . Anh Võ Đức Diên xin cho tôi được biệt phái qua làm hẳn ở tòa soạn. Khi đó, vì nhu cầu mở rộng hoạt động, nên Nha Chiến tranh tâm lý được đổi danh xưng, thay thế cho Phòng tác động tinh thần , tức Phòng 5 cũ. Cơ cấu tổ chức qui mô hơn nhiều. Địa điểm không còn ở Bộ Tổng tham mưu nữa, mà tọa lạc tại đường Thống Nhất, đối diện rạp hát Thống Nhất, nơi mỗi chiều thứ ba có mở xổ số và thỉnh thoảng được dùng đễ trình diễn một vở kịch, một vở tuồng nào đó, hoặc làm nơi hội họp quan trọng của Quân đội.
Tạp chí Sáng dội miền Nam lần đầu cho in phụ trương bản trường ca Con đường cái quan . Chính thực, bản trường ca này Phạm Duy làm xong đoạn đầu từ 1955, nhưng nay mới có dịp cho phổ biến. Sau khi in ra, bản nhạc được hoan nghênh đặc biệt, do đó, Võ Đức Diên thúc giục Phạm Duy làm tiếp đoạn vào miền Trung và miền Nam, vào 1960. Khi anh Võ Đức Diên đưa ý kiến ra, Phạm Duy cười cười, nói :
- Anh ơi, lữ khách hết tiền rồi, đói quá, không đi tiếp được nữa !
Nghe vậy, Võ Đức Diên hiểu ý, lấy giấy viết mấy chữ cho quản lý Đạt, bảo anh ta đưa ngay cho Duy một khoản tiền . Tuy Phạm Duy đã có tiền rồi, nhưng lại còn yêu sách thêm, đề nghị anh Võ Đức Diên nên tổ chức một chuyến đi miền Trung để tìm thêm tư liệu sáng tác. Tuy Võ Đức Diên là kiến trúc sư, nhưng tinh rất nghệ sĩ, lại hào phóng nữa, đồng ý ngay, rồi tổ chức đi, sau đó vài hôm.
Chuyến đi có 2 chiếc xe, một chiêc dành cho anh Diên ngồi cùng Lê Văn Siêu + nhà coi tử vi Nguyễn Duy Diễn * và thầy địa lý Dương Thái Ban . Còn tôi, Phạm Duy, Văn Thanh, Phùng Trực ( chuyên viên chụp ảnh ) đi chiếc xe hơi Citroen 2 ngựa. Tôi thường gọi đùa loại xe này là xe lễ phép, vì mỗi lần thắng, mũi xe chúi gập xuống đất như cúi chào.
-----
* tác giả chỉ ghi tên thật. Đó là giáo sư dạy bậc trung học tư thục Nguyễn Duy Diễn kiêm nghề bói toán, tướng số. Là bạn thân Nguyên Sa, khi ông Diễn qua đời, Nguyên Sa làm 1 bài thơ khóc nức nở tên ' đệ tử Phi Tôn'
- Tạ Tỵ có trích dẫn 1 đoạn thơ Nguyên Sa khóc N.D. Diễn ở chương sách trước . ( TP )
-------
Lộ trình đi lên Đà Lạt trươc, vì anh Võ Đức Diên đang chịu trách nhiệm vê công trình xấy cất ngôi biệt thự của ông bà Ngô Đình Nhu ở trên đó. Anh Diên nhờ tôi vẽ vài tấm hình trang trí cho ngôi nhà, do vậy, tôi đã nhiều lần lên thăm ngôi biệt thự xây cất cầu kỳ đó. Tôi còn được biết cả căn phòng bí mật ở trên nóc nhà , để đề phòng khi có biến cố , ông bà Nhu có thể dùng nơi đó ẩn thân, chờ tình thế đổi thay ra sao ? Nếu không có người chỉ vẽ cho biết, không ai có thể tìm ra lối lên căn lầu ấy, vì nó được ngụy trang bằng 1 bức tường giả, trông như thực. Uổng thay, căn phòng bí mật ấy không có 1 cơ hội nào được dùng đến cả.
Chúng tôi ngủ lại 1 đêm ở Đà Lạt, hôm sau vòng ngả đèo Ngoạn Mục , qua Krông Pha xuống Phan Rang, đến Nha Trang. Vì anh Diên đang làm giám đốc Nha Kiến thiết , nên 1 khách sạn của chính phủ đều do cơ sở này quản lý, nên chúng tôi đến ngủ tại 1 khách sạn lớn nhất , trông thẳng ra biển, qua hàng dừa xanh, với bãi cát vàng óng. Chúng tôi rong chơi, tắm biển 1 ngày thỏa thích - trong khi đó, nhà tử vi kiêm tướng số Diễn nằm dài bên khay đèn , tâm sự với ả Phù dung- còn nhà địa lý Dương Thái Ban cứ mang cái địa bàn đi tìm hướng đất, chả biết để làm gì ? Buổi tối, trời quá nóng, tôi cởi trần, mặc mỗi chiếc quần tắm, thì nhà tử vi tướng số Diễn, sau hơi thuốc, mở mắt lim dim, nhìn tôi, khen:
- Thằng Tạ Tỵ, nó có bộ cốt đẹp !
Lúc ấy còn trẻ, tôi không mấy tin tướng số , nên cười diễu cợt :
- Ông coi tôi, con gái còn mê được không ?
Ông iễn nghiêm mặt, nói :
- Tôi không giỡn với cậu đâu, với bộ cốt ( xương ) này, cậu thọ lắm !
Tôi nghe và quên đi, không bao giờ để ý đến lời nói của ông Diễn. nay càng già, càng cảm nhận thấy tất cả mọi số phận, hình như có một sự định đoạt trước, mình không biết đấy thôi .
Hôm sau, chúng tôi đến Quảng Ngãi, ngủ lại đây 1 đêm. Tối, Phạm Duy mang đàn ra ngoài hiên ngồi hát. Tiếng hát bay xa đến đâu chẳng biết, chỉ biết, ít phút sau có năm, bẩy cô gái lượn lờ trước cửa. Phạm Duy buông lời chợt nhả, mấy cô cười rúc rích. Nếu có thời giờ ở lâu, chắc thế nào cũng có cô bị vỡ nợ với Duy !
Con đường xuyên Việt rất nhiều cảnh đẹp , Chiếc xe hơi chạy đều đều, Phạm Duy ôm đàn làm nhạc. Đến của bể Đại Lãnh [ tác giả nhớ sai, vì Đại Lãnh thuộc vùng Phú Yên ( Đèo Cả) , sau đó mới qua Bình Định, rồi Quảng Ngãi ] lúc giữa trưa , chúng tôi rủ nhau xuống tắm, vì bãi biển quá đẹp, lại không có bóng dáng 1 người nào. Trừ Võ Đức Diên + 2 ông tử vi, thầy địa lý, còn tất cả đều cởi hết quần áo, nhẩy ùm vào sóng biển. Lần thứ nhất, chúng tôi nhin thấy ... của nhau, cũng ngồ ngộ !
Ra tới Quảng Trị, định đi thăm cầu Bến Hải, nhưng vị phó tỉnh trưởng Nội an cho biết; không mấy an ninh, nên chúng tôi quay về Huế, ở lại 1 ngày, sau đó trở về Sài Gòn.
Phân khúc 2 / Con đường cái quan của Phạm Duy được hoàn thành sau đó ít lâu, rồi kết thúc bằng tiếng hò lơ miền Nam - tức là lữ khách đã đi hết con đường xuyên Việt - con đường sáng tạo của dân tộc Việtnam trong công cuộc mở mang bờ cõi, làm tiêu tan vương quốc Chiêm Thành !
Nhưng anh Võ Đức Diên vắn số, tôi được tin anh mất, khi tôi đang công tác ở Phi Luật Tân ( Philippines ) - do đó, đám tang anh, tôi không có mặt. Trở về, tôi đến mộ anh thắp hương, đến nhà anh tại đường Hiền Vương, gần Đa kao, chia buồn cùng chị Võ Đức Diên. Nhìn lên bàn thờ, ảnh anh gợi trong tâm trí tôi biết bao kỷ niệm ! Tôi coi anh như 1 người anh, chẳng những vì tuổi tác, mà còn do đức độ nữa.
Đời sống của Sài Gòn đang yên lành, bống buổi sáng có tiếng phi cơ khu trục rít như xé gió, lượn 1 vòng quanh thành phố, rồi có tiếng bom nổ. Chưa ai hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy 1 cột khói bốc cao từ Dinh tổng thống ở đại lộ Thống Nhất. Tiếp theo, những tiếng súng lớn từ hướng bến Bạch Đằng vọng lại. Sau khi thả mấy trái bom, 2 chiếc khu trục lao vút đi , nhưng 1 chiếc trúng đạn phòng không Hải quân đã bị rớt tại khu vực Biên Hòa - còn chiếc kia mịt mù bóng dáng. Mọi người, mọi nhà đều mở đài nghe tin tức. Lúc đó mới biết, 2 phi công, tên là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử, lái Skyraider ,thay vì đi ném bom, lại ném xuống đầu gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm - tuy không gây thiệt hại nào về nhân mạng ,chỉ làm hư 2 cánh trái của ngôi nhà, khi xưa là nơi ngự trị của viên toàn quyền Đông Dương, dưới thời Pháp thuộc. Chiếc phi cơ bị trúng đạn do Phạm Phú Quốc lái. Tuy máy bay rớt, nhưng phi công chỉ bị thương nhẹ, bị bắt ngay, nhốt vào khám Chí Hòa. Còn chiếc do Nguyễn văn Cử lái thẳng qua Cao Miên ( Campuchia) xin tỵ nạn chính trị. Đó cũng là l điềm báo trước những gì sẽ xảy ra sau này cho chế độ Ngô Đình Diệm, nếu ông ta và gia đình không thay đổi chiều hướng cai trị cho thuận lòng dân.
Sau cuộc ném bom, tổng thống Diệm và các cơ cấu phụ thuộc, tạm dọn về Dinh Gia Long. Chiếc dinh cũ bị phá sập hoàn toàn để xây cất 1 cơ sở mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu.
Sự chống đối chế độ Ngô Đình Diệm mỗi ngày 1 gia tăng, tuy ngấm ngầm; nhưng quyết liệt ở tất cả mọi phe nhóm chính trị đối lập. Tuy vậy, ai làm chính trị cứ làm, còn cuộc sống trước mắt với nợ áo cơm, mọi người vẫn phải cúi đầu tuân hành theo vòng quay của nó.
Đúng như dự định, cuối năm 1961, Phòng Triển lãm tranh của tôi mở cửa. Nội dung phòng tranh lần này khác hẳn lấn trước, vì loại tranh trừu tượng bắt đầu xuất hiện , xen kẽ với 1 số tranh, còn vẽ theo lối cũ. Đây chỉ là bước đầu thăm dò, nên phòng tranh chưa hoàn toàn theo ý muốn. Nhưng quả thực, tôi không ngờ, dân chúng miền Nam cũng có tinh thần thưởng ngoạn thực tiến bộ. Từ ngày mở cửa cho tới ngày bế mạc, không ngày nào vắng người; trái lại, số người xem tranh càng tăng. Tôi không chủ quan, cho rằng mọi người đi coi triển lãm đều có khiếu thẩm mỹ cả đâu, có một số thôi, còn phần đông vì tò mò, thấy lạ mắt đến xem cho biết ! Số tranh lớn bán được cũng tới 70 %. Như vậy, tôi có thể vững tin vào tương lai nền hội họa mới Việtnam. Cũng như lần trước, vì không có mặt thường xuyên tại Phòng Triển lãm, tôi nhờ nữ sĩ Trúc Liên * coi giùm - như lần trước , tôi đã nhờ cô cháu gái nhà văn Mặc Đỗ vậy. Nữ sĩ T.L
---------
* Tên thật Vũ Thị Tuất. Sinh 1929 tại Sa Đéc, viết văn từ 1948, tác phẩm đăng trên các báo Tin điển, Nhân loại, Giáo dục phổ thông, Cách mạng quốc gia v. v. ... Vợ họa sĩ Duy Thanh ( tên thật Nguyễn Khánh Thành). Hiện vợ chồng Duy Thanh sống ở San Francisco, Hoa Kỳ. ( TP )
---------
một người đàn bà tuy không đẹp lắm, nhưng có duyên và nhất là biết ngoại ngữ, giao thiệp giỏi, biết cách giới thiệu tác phẩm với người yêu tranh. Do vậy, nên các họa sĩ thường mời Trúc Liên trông nom giùm, lâu dần thành 1 cái nghề.
Phòng triển lãm lần trước của tôi, Thanh Tâm Tuyền đã mê cô cháu của Mặc Đỗ, nhưng chẳng đi tới đâu - lần này, nhà văn Trúc Sỹ của tạp chí Thế Kỷ ngày xưa, lại lao đầu vào mê nữ sĩ Trúc Liên . Nói đúng ra, chuyện yêu đương là chuyện thường tình ở cõi đời này; nhưng mấy ai, khi yêu, có biết được cái tình mình cho, liệu người ta có nhận không ?
Trúc Sỹ * khi ấy cũng nhiều tuổi , bỏ vợ con ở lại Hànội, một mình vượt biên vô Nam, qua ngả Lào, không chịu được cảnh cô đơn - nên muốn tìm người bạn đời chia sẻ vui buồn . Hầu như không 1 ngày nào thiếu bóng Truc Sỹ tại phòng triển lãm
--------
* Trúc Sỹ sinh năm 1918. ( TP )
------
nhưng Trúc Liên không phải người đàn bà tầm thường , cũng là tay cao thủ võ lâm - chỉ có Trúc Sỹ không biết đấy thôi, cứ lao đầu vào, sau anh ta mang lấy vết thương lòng. Nhưng chẳng ai có lỗi cả, , nó chỉ là tai nạn khó tránh !
Ít năm sau, Trúc Liên là bạn đời của họa sĩ Duy Thanh. Còn Trúc Sỹ cũng tìm thấy hơi ấm đàn bà với người bạn cùng sở. Chỉ tội người vợ mất chồng và những đứa con mất bố , hiện ở ngoài Bắc.
Thấm thoát, tôi sống ở miền Nam đã gần 10 năm. Miền Bắc, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, trong tình
thương yêu của gia đình; nhưng quả thực, tôi đã trưởng thành ở miền Nam và càng ngày tôi càng thấy yêu mến miền Nam, coi như ruột thịt của mình. Miền Nam tuy không có 4 mùa luân chuyển, tuy phong cảnh không có nơi nào tuyệt đẹp như phong cảnh miền Bắc; nhưng khí hậu miền Nam, và cái nếp sống cởi mở của người Nam đã làm tâm hồn tôi đắm chìm, như dòng nước nhỏ chảy tuôn vào dòng sông lớn.
Tôi không có mối tình nào, với bất cứ cô gái miền Nam nào, nhưng mỗi khi nói chuyện với họ, dù là câu chuyện tầm phào, họ cũng làm tâm hồn tôi rung động, qua cách phát âm ngọt ngào, dễ mến ! Ngay cả những cô gái làng chơi , họ đối xử không quá máy móc và thụ động như những cô gái ở địa phương khác.
Do vậy, nhiều khi tôi nghĩ - nếu 1 ngày nào thống nhất đất nước, qua đường lối hòa bình, tôi cũng sẽ ở lại miền Nam. nếu có nhớ Hànội, tôi cũng chỉ ra thăm thôi. Tôi đã bị Nam- hóa tự lúc nào không biết, ngay cả tiếng nói thường nhật, cũng pha ít nhiều tiếng miền Nam mà chính tôi cũng không hay biết ! []
tạ tỵ
( còn tiếp , kỳ thứ 21 )
nguồn : ( Nxb Thằng Mõ, San José / USA , 1990 - tr. 226 - 240 )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét