những gương mặt / những câu thơ / ý nhi-
nxb văn nghệ tp. hcm, 2008.
nhà văn trang thế hy:
" niềm hạnh phúc đựợc trả bằng nhiều đau khổ "
bài viết : ý nhi
" Người giải thích thời tiết là một ông già ngoài 60 tuổi, cao, ốm,, mặc quần áo nậu, áo sơ mi trắng, bên ngoài khóac bành-tô bằng tơ thiên nhiên màu vàng tồi, thoạt nhìn như có vẻ như bẩn, nhưng thực ra là vì quá cũ. Mái tóc thưa để dài bạc gần hết, được che mưa bụi bằng cái nón hẹp vàng màu xám tro. Trên khuôn mặt xương vuông, đôi mắt còn khá sáng và linh động so với tuổi, phảng phát chút u buồn dễ nhận thấy ở những con người phải sống tuổi già trong hiu quạnh."
- đó là một đoạn văn trong Con cá không biệt tăm. Chỉ cần thêm một vầng trán cao, một nụ cười lặng lẽ nữa thì giống hệt bề ngoài của Trang Thế Hy , người viết thiên truyện ngắn xuất sắc ấy.
Tôi gặp ông lần đầu tiên vào cuối năm 1987, khi nhà thơ Hoài Vũ đưa tôi đi Mỹ Tho , tìm cách in tập truyện ngắn Vết thương thứ 13 của ông. Nhìn vẻ khắc khổ đăm chiêu của ông, tôi hơi ngại, không dám bắt chuyện. Ông thì im lặng hút thuốc. Thành ra, nhà thơ Hoài Vũ độc diễn suốt mấy mươi phút đầu. Vậy rồi chính Hemingway đã cứu vãn tình thế . Không nhớ vì nguyên cớ nào, tôi bỗng nhiên nhắc đến sự bất hòa giữa Ehrenburg và Hemingway về chuyện văn phong. Thế là Trang Thế Hy như chợt tỉnh. Từ đó đến Mỹ Tho, rồi suốt chuyến quay về, ông chỉ nói về Hemingway và Lỗ Tấn, ông đã quên khuấy chúng tôi, quên khuấy việc in sách. Tôi còn nhớ giọng nói trầm buồn, nhỏ nhẹ, như nói một mình, khi ông gọi Lỗ Tấn là ông già :
" Ông già lạ lắm, cô còn nhớ câu nói trong Cố hương không " Tôi nhớ đến những niềm hy vọng, tự nhiên hoảng sợ ". Đó, là ông già là người đầu tiên đặt chữ hoảng sợ bên chữ hy vọng. " Tôi đáp, cũng một câu trong Cố hương " Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực đâu là hư ? ". Ông cười nấc lên một tiếng: " Hóa ra cô cũng thuộc Lỗ Tấn, bữa nào rảnh, ghé tôi, nói chuyện tiếp về ông già ".
Thế nhưng, vài năm sau, tôi tìm đến căn phòng của ông ở 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa , lại là để nhờ ông' tư vấn' về một tủ sách Văn học Pháp hiện đại.
Mặc dù đã hẹn trước, tôi vẫn nhận thấy một thoáng bối rối trên gương mặt ông, khi ông mở cửa cho khách. Bấy giờ tôi nghĩ, chắc vì căn phòng nhỏ bé và có phần lộn xộn của ông.
Sau này, khi ông về Bến Tre, thỉnh thoảng tôi lại đi với vài người bạn , vài nhà nghiên cứu văn học, vài nhà báo ... đến thăm ông. lần nào, tôi cũng thấy thoáng bối rối trên khuôn mặt của ông. Hình như mỗi lần có khách, ông lại phải một lần vượt qua sự trầm ẩn của mình để hòa nhập với người.
Lần ấy, ông im lặng rửa ấm chén, pha trà kéo ghế mời khách, đi vào đi ra tìm một cuốn sách trên kệ, lật xem vài trang rồi để lại chỗ cũ. Khi tôi bắt đầu lo ngại, thì ông bật nói, như đang tiếp tục câu chuyện về Lỗ Tấn :
" Nhưng không ai qua được ông già. Hồi nào chết xuống âm phủ, Diêm vương gia ân cho gặp một nhà văn, tôi sẽ xin gặp ông cho thỏa ".
Và, vẫn giọng nói trầm buồn, nhỏ nhẹ như nói một mình, ông ngồi bắt chéo chân , hai bàn tay đặt lên đầu gối, đầu hơi cúi xuống, như lặng nhìn vào một cõi xa nào, nơi có Albert Camus, André Malraux, André Breton, Jean Cocteau, Colette , Robbe- Grillet ( Alain) ...
Vì không đi được xe, tôi nhờ Phong, con trai lớn của tôi chở đến nhà ông. Phong mời ông hút Pall Mall. Ông có vẻ thú vị , vì có người cùng ' gu' . Sau này, mỗi lần gặp tôi , ông lại gửi cho Phong một điếu Pall Mall . Có khi, ông đang hút 1 loại thuốc xoàng, nhưng lại dành cho cháu điếu thuốc ngon. Tôi còn nhớ những ngón tay gầy guộc của ông vuốt điếu thuốc cuối cùng trong chiếc vỏ bao nhàu cũ, trước khi trao cho tôi.
Lần gần đây về Bến Tre, thấy tôi mấy trái ổi bọc ny-lông để tránh dơi, ông bảo, để ông gở thằng Phong một trái. Ông không biết Phong đã có vợ và hai con. Tôi hỏi :
" Sao nhà mình không nuôi vài con gà , con vịt cho vui ? "
Ông trợn mắt, giọng nghiêm trọng:
" .. chăn nuôi và trồng trọt là mâu thuẫn đối kháng đó cô'.
Rồi cười không thành tiếng. Tôi chợt nhớ nụ cười hóm hỉnh, ánh nhìn tinh nghịch, qua những trang viết " đa mang thế sự" của ông, nhờ thiên hồi ức Một nghệ sĩ buồn thích đùa, trong đó ông gọi Don Quichotte là cây mua vui cỡ lớn, rồi lại viết: " Những tay trứ danh trong thiên hạ thường là những con người buồn ".
Trước khi về Bến Tre , ông ghé chỗ tôi, nói;
" Tôi đi chỗ khác chơi đây cô "
Ông nhắc tôi nhớ đến lời dặn dò của 1 nhân vật của ông với nhà văn trẻ :
" Nếu như mày nổi tiếng - biết đâu chừng mậy, cuộc đời ác nghiệt này lâu lâu cũng chơi cái trò tặng phẩm bất ngờ - nếu như con nổi tiếng , con phải nghe lời chú Tư dặn con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở nơi trường văn trận bút ... "
Cái chỗ khác ấy là quê nhà Bến Tre của ông, nơi ông có 1 người vợ hiền hậu, 1 vườn dừa vắng lặng. Ấy vậy, mà nơi này đã mời gọi bao người. Như bạn bè, nào các nhà văn từ Hànội vào, nào đoàn làm phim của VTV3, nào các nhà báo lão thành từ thành phố...tất cả họ đều muốn được nhìn tận mặt, tận tai, nhà văn mà họ yêu mến. Nhưng Trang Thế Hy chỉ có thể trò chuyện với những ai ' hợp tạng' với ông, mà những người này không nhiều; thậm chí, có thể là rất ít. Có lẽ, ông đã phải nói 1 mình rất nhiều. Đọc ông, người ta nhận thấy 1 cuộc độc thoại triền miên về cái đẹp, về lẽ sống, về tình yêu, về sự phản bội, về hạnh phúc, về thương đau, mất mát ...
Tôi chưa bao giờ nghe ông nói về mình. Ông hiền hòa, chiều chuộng bầu bạn. Ông cũng là người dứt khoát, không thể lay chuyển trong 1 số trường hợp, nhất là những gì đụng tới nguyên tắc sống của ông.
Trong Vết thương thứ 13, nhân vật Hữu chịu 12 vết thương đau trên thân thể một cách nhẹ nhàng; nhưng đã không đứng vững nổi trước 1 vết thương tình cảm. Ông có tính đếm, có phân loại các vết thương của mình không ? " ?
Ông cười lặng, đâu có gì đáng nói. Vậy mà những trang viết, những truyện ngắn đã chất chứa biết bao tâm trạng, đã hằn sâu biết bao vết thương - những vết trhương khó` có thể tính, đếm, khó còn thể chữa lành.
Thế nhưng, Trang Thế Hy là con người hạnh phúc, theo cái định nghĩa về hạnh phúc của chính ông, trong truyện ngắn Một nghệ sĩ :
" GẶP HẠNH PHÚC LÀ NGƯỜI NÀO TRONG TUỔI GIÀ VẪN CÒN GIỮ ĐƯỢC NGUYÊN VẸN TÌNH YÊU CỦA MÌNH, ĐỐI VỚI CÁI GÌ MÌNH ĐÃ YÊU THƯƠNG TỪ THUỞ ẤU THƠ. NIỀM HẠNH PHÚC ĐÓ, ĐƯƠNG NHIÊN LÀ PHẢI ĐƯỢC TRẢ GIÁ BẰNG RẤT NHIỀU ĐAU KHỔ ..." * []
-----
* Biên tập in chữ hoa.
trang thế hy
( NHỮNG GƯƠNG MẶT / NHỮNG CÂU THƠ / Ý NHI -
nxb văn nghệ, tp. hcm, 2008 - tr. 39 - 43 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét