Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012
những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi - tạ tỵ - kỳ thứ 23
những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi 23
hồi ký văn học : tạ tỵ
nguyễn gia trí : chính cái run ấy tạo cho nét vẽ.. mềm mại, linh động , không họa sĩ ...
- lãng nhân, hoàng tích chu, đoàn thêm, phan văn tạo, nguyễn doãn vượng, đàm quang thiện, TCHYA, bùi xuân uyên, lê văn siêu , đinh hùng , phạm duy, phạm trọng nhân ...
Theo thời gian , tình nghĩa giữa tôi và anh Nguyễn Gia Trí cứ tăng dần. Tôi thường đến thăm anh tại xưởng họa, lúc này, tại con hẻm đường De Gaulle ( sau là Ngô Đình Khôi, Cách Mạng 1-11, bây giờ Nguyễn văn Trỗi ).
Mọi ngừoi đều biết anh Nguyễn Gia Trí, một họa sĩ rất khó tính, không phải ai muốn đến lúc nào cũng được. Cánh cổng luôn đóng kín mít, nếu giật chuông, chị Tri sẽ ra mở chiếc cửa con, to bằng bàn tay, xem [ là ] ai - và tùy theo mức độ thân, sơ - chị sẽ nói anh Tri có nhà hay đi vắng. Riêng đối với tôi, mỗi lần đến, dù bận đến đâu, anh Trí cũng để chút thời giờ tiếp. Anh nói rất ít, giọng nói lại khó khăn, mỗi khi cần diễn tả điều gì. Anh nhỏ con, tướng hầu, ăn mặc rất giản dị, không bao giờ tôi thấy anh thắt cà-vạt. Có lần đến thăm, anh đang bận vẽ, nên mời tôi vào xưởng họa luôn, việc này rất hiếm ! Tôi nhìn anh vẽ, bàn tay run run, như khi anh ký tặng tôi tấm tranh. Chính cái run ấy đã tạo cho nét vẽ của anh sự rung chuyển mềm mại, uyển chuyển, linh động; không 1 một họa sĩ nào có được nét vẽ như vậy, dù cho cố tình bắt chước !.
Nguyễn Gia Trí không làm việc 1 mình, dưới tay anh, bao giờ cũng có vài người thợ vẽ giúp anh những chỗ không quan trọng. Thường ra, bao giờ anh Trí cũng vẽ những bản phác họa trước ( esquisse ) , với màu sắc và bố cục đàng hoàng. Từ bản phác họa đó, anh chuyển qua hình họa ( dessin ) to bằng kích thước của tấm tranh, bắt đầu cho 1 công trình cần cù, qua kỹ thuật sơn mài.
Nguyễn Gia Trí, họa sĩ có biệt tài về chữa tranh dầu nhiều ( peinture à l' huile ) . Nó đòi hỏi một kỹ thuật tuyệt luân, chữa, mà người xem tranh không tìm ra chỗ chữa; vì sơn mài đòi hỏi mặt tranh phải phẳng và nhẵn bóng.
Vào khoảng 1962, anh Nguyễn Gia Trí có mở một cuộc triển lãm tại gia, gồm những tác phẩm đã được đặt mua - trong số đó có 2 tác phẩm của Phủ Tổng thống . Anh muốn khi trả khách hàng, để không bao giờ được nhìn những đứa con tinh thần của mình, mời bằng hữu đến xem cho biết. Người đến xem, một phần [ là ] chủ nhân các tấm tranh; còn phần đông bằng hữu. Ai cũng tấm tắc ca ngợi, riêng tôi, cho rằng thừa, vì đối với Nguyễn Gia Trí - lời chê chắc không có rồi - nhưng khen, chẳng khác gì khen phò mã tốt áo.
Phòng triển lãm chỉ mở cửa có vài ngày rồi thôi. Sau khi trả hết tranh, anh lại bắt đầu làm những tấm khác, mà người mua đã đặt tiền cả vài năm trước. Nói về đời sống, quả thực Nguyễn Gia Trí không bao giờ túng thiếu; nhưng hình như, chẳng bao giờ anh để ý đến tiền - anh làm việc vì yêu nghề, chứ chẳng bao giờ muốn làm giầu vì nghề nghiệp .
Đến thăm Nguyễn Gia Trí một đôi lần, tôi gặp ông Nguyễn Gia Tường , giáo sư trường Bưởi thuở xưa , người anh cả và cả kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức. Anh chàng này cũng có tài , nhưng lập dị lắm ! Giữa thời đại bê-tông, cốt-sắt, anh cứ vẽ nhà bằng tre, vách trét rơm trộn vời bùn. Tuy nhà tranh, nhưng tất cả mọi tiện nghi đều có, kể cả nơi mắc võng và chỗ kê chiếc chõng tre [ để ] nằm đọc sách trước hiên nhà. Tuy là em, nhưng Nguyễn Gia Đức to con hơn anh Trí nhiều. Tính tình Nguyễn Gia Đức tuy hiền từ, nhưng cũng khó khăn trong vấn đề nghệ thuật chuyên môn.
Quả thực, tôi cũng không hiểu vì sao, tôi và Nguyễn Gia Trí , có thể thân và quý mến nhau như vậy - vì 2 người có 2 đường lối tạo tác cách biệt nhau, không thể dung hoà được ! Nhưng ít lâu sau, tôi không còn ngạc nhiên nữa; khi thấy anh cũng vẽ tranh sơn mài theo cung cách trường trừu tượng. Như vậy, tôi và anh không còn cách biệt . Cái sự quý mến đặc biệt, anh dành cbo tôi mấy năm qua, không phải không có duyên cớ. Anh cũng như tôi, đều nhìn thấy con đường nghệ thuật cần theo đuổi, nếu muốn tiến bộ .
Bộ mặt sống của miền Nam đột nhiên thay đổi, kể từ ngày xẩy ra sự lộn xộn tại Huế, nhân ngày Phật đản, vì vấn đề treo cờ . Cũng kể từ đó, chính quyền Ngô Đình Diệm lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa.
Sự phản đối tăng dần theo những cuộc xuống đường. Nhân tâm ly tán, trong khi dó CS cũng hoạt động mạnh hơn, để quấy phá miền Nam.
Tôi không còn được biệt phái làm cho báo Sáng dội miền Nam , sau khi anh Võ Đức Diên qua đời ít lâu. Người thay thế Võ Đức Diên là Nguyễn Phụng , cựu tỉnh trưởng thành phố Nam Định
trước 1954. Ông Phụng rất tốt , nhưng không biết gì về phương diện chuyên môn [ báo chí ].
Mọi công việc giao cho Lê Văn Siêu và Văn Thanh điều hành. Ông [ Phụng ] chỉ lo vấn đề tài chánh , làm sao tờ báo có đủ tiền, trả tiền bài, tiền in .
Tuy [ Tạ Tỵ ] trở về quân đội , nhưng tôi vẫn làm công việc cho tờ báo , với số lương khoán như cũ. Cơ sở tọa lạc của tôi tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn. Đó là một trung tâm huấn luyện về chiến tranh tâm lý, có các cố vấn [ người] Đài Loan giúp đỡ phần chuyên môn.
Từ chỗ tôi làm việc ra Cơ sở Kim Lai ấn quán [ ở ] đường Nguyễn Siêu rất gần - do vậy, khi nào rảnh rỗi, tôi thường ra đó, để thăm Lãng Nhân, nói chuyện cho vui. Năm đó, Lãng Nhân đã ngoài 60 tuổi, tuy nhiên anh vẫn còn tráng kiện lắm . Lãng Nhân dáng người bệ vệ, ra dáng ông chủ nhà in, trên môi lúc nào cũng ngậm píp, thở khói suốt ngày. Trông bề ngoài , Lãng Nhân cò vẻ nghiêm nghị, nhưng gần anh lâu ngày, hiểu anh, mới biết cái bề ngoài đó, không phải thực chất của anh. Nét mặt anh trong giống nét mặt sư tử, trán cao, mũi to, miệng rộng, địa các nở, có tướng thọ * Lãng Nhân ăn nói dí dỏm, thuộc nhiều điển tích , nên mỗi lần nói chuyện với anh, lại học thêm được 1 chút. Anh học không cao, chỉ tới năm thứ 3 Trường Bưởi ( Lycée du Protectorat ) , vì làm grève chống viên hiệu trưởng Pháp, nên bị đuổi. Từ đó, anh tự học. Năm 19 tuổi, anh đã được bầu làm Nghị viên thành phố Nam Định, ông nghị trẻ nhất, nhưng cũng dám ăn, dám nói, đấu tranh với Pháp - vì quyền lợi dân thành phố. Sau khi gặp Hoàng Tích Chu từ Pháp về, anh bỏ nghể làm nghị viên, đi làm báo với Hoàng Tích Chu. Đó là báo Đông Tây, anh rất phục Hoàng Tích Chu, người dám cải cách lối làm báo, cũng như lối viêt văn trên báo
-------
* di tản sang Anh quốc, lấy thêm vợ lần 3, qua đời, thọ trên 100 tuổi . (TP ).
------
Tuy { LãngNhân ] không hút thuốc lào , nhưng lúc nào trong phòng làm việc, nơi bàn khách, cũng có chiếc điếu bát được lau chùi sạch sẽ và ống thuốc lào ngon, để bạn bè nào trót đa mang chất tương tư thảo cứ tiện dùng. Nhưng nói cho đúng, số người biết hút thuốc lào rất ít; có lẽ cái điếu ấy, chỉ dành riêng cho tôi, vì hầu như ngày nào, tôi cũng có mặt- có khi mươi lăm phút , có khi cả nửa ngày.
Lãng Nhân , con người rất hào phóng, coi đồng tiền nhỏ lắm - do vậy - anh thường đãi đằng bè bạn thỏa thuê; hơn nữa, ai cần vay mượn, vì túng thiếu, anh sẵn sàng giúp đỡ. Lãng Nhân giao du rất rộng, tuy những bằng hữu của anh đều thuộc lứa trên dưới 60 - nhưng không phải vì thế, anh không giao du với lớp người trẻ, như tôi, như Trần Phong Giao , Phạm Duy v. v. ... Nhà in Kim Lai, hầu như không ngày nào vắng bóng tao nhân, mặc khách !
Mặc dù vấn đề thời cuộc bên ngoài, mỗi ngày mỡi sôi động về chính trị, vái chỗ ngồi của chế độ
Ngô Đình Diệm , bị những bàn tay chống đối lay đi, lay lại; làm đời sống dân chúng chịu ảnh hưởng lây. Ai cũng nghĩ sẽ có đổi thay; nhưng chưa ai đoán được sẽ thay đổi như thế nào ? Mỗi người đến Kim Lai ấn quán lại đưa thêm tin tức , có khi đúng, khi sai; nhưng tất cả những gì tôi nghe được, thì bất lợi cho chế độ ông Diệm - ... Lãng Nhân cũng chỉ nghe, chứ ít khi có ý kiến về chính trị - vì anh cho rằng chế độ nào cũng có ưu, khuyết điểm của nó.
Nhà in Kim Lai, với 1 phòng khách có máy lạnh, để tán dóc là 1 thú vui - do vậy - tôi đã gặp rất nhiều khuôn mặt văn nghệ trong căn phòng này.
Tại cơ sở, ngoài Lãng Nhân , còn Nguyễn Doãn Vượng , giữ vai trò Phó gíám đốc kỹ thuật. Anh Vượng từng làm chủ nhiệm báo Trung Bắc chủ nhật, do Nguyễn Văn Luận giúp đỡ. Anh có hỗn danh Tây chồm , vì bất cứ chuyện gì , dù liên hệ đến anh, hay không ; anh cũng nhẩy bổ vào cho ý kiến và thường tự hào, ai anh cũng quen biết, và bất cứ có biến cố nàio xảy ra, anh đều rõ.
Ngoài Lê Văn Siêu và Văn Thanh đến Kim Lai ấn quán, vì tờ báo, tôi còn gặp nhà thơ Đoàn Thêm thỉnh thoảng cũng ghé chơi.
Đoàn Thêm, công chức cao cấp thuộc Phủ Tổng thống, anh đeo kính cận, khuôn mặt xương xướng. Anh có tật hay nhún vai, nháy mắt; khi nói chuyện. Đoàn Thêm, con người có học, đọc nhiều. Anh rất mê thơ Đinh Hùng; nhờ anh, tập thơ Đường vào tình sử của Đinh Hùng mới ra đời được.
Ngoài tài làm thơ , anh còn viết sách khảo cứu về hội họa, cũng như nhiều loại sách khác; nhất là, anh có công sưu tập những biến chuyển về chính trị, quân sự từng ngày - in thành sách - Tính tình Đoàn Thêm hơi kiêu ngạo, một phần vì địa vị của anh trong xã hội, một phần tự tin vào cái học và sự hiểu biết của mình.
Nhà văn Đàm Quang Thiện đôi khi cũng có mặt, nhưng anh Thiện vốn ít nói. Cuốn sách nói về đời Nàng Kiều, anh in tại đây. Anh đến để sửa bài ; sau khi cuốn sách in xong, ít khi gặp lại. Các nhà văn, nhà thơ TCHYA cũng ít đến. Mỗi lần đến, TCHYA cũng không ngồi lâu, chỉ nói vài câu cần thiết, song ra về. Mỗi lần TCHYA đến, lúc về, thế nào Lãng Nhân cũng tiễn chân tận cửa...
Một buổi chiều, khi tan sở , tôi đến thăm Lãng Nhân- vừa đến cửa, tôi đã nghe tiếng đọc thơ chữ Pháp vang dội ra. Thì ra, Bùi Xuân Uyên vừa làm xong bài thơ , đọc cho Lãng Nhân nghe. Đã lâu, tôi không gặp Bùi Xuân Uyên , thấy anh già, và nước da hơi xấu; nhưng tiếng đọc thơ vẫn sang sảng. Nhìn thấy tôi, Bùi Xuân Uyên ngưng đọc, đứng dậy, bắt tay hỏi thăm về đời sống - rồi mời tôi đến nhà chơi - xem tranh. Nghe vậy, tôi vô cùng sửng sốt, vì không ngờ BXUyên lại vẽ tranh. Tôi tưởng nguyên cái nghề làm hiệu trưởng và dạy học đã chiếm hết thời giờ của anh rồi, nếu rảnh rang, anh viết, làm thơ - chứ có bao giờ tôi thấy BXUyên vẽ đâu ? Tôi hứa sẽ đến thăm để xem tranh.
Còn 1 người nữa, một ông huyện dưới thời thực dân, không hiểu nguyên cớ gì - ông Diệm cho ngồi chơi sơi nước., theo đúng nghĩa đen- lại thường có mặt tại Kim Lai. Người đó là Nguyễn Hữu Chì , tác giả Biệt ly qua thi ca. Nếu không có thời gian bị thất sủng , chua chắc đã có cuốn sách quý nói trên. Cái tâm sự buồn bã ấy, Nguyễn Hữu Chì nhờ thơ người khác nói giùm mình. Thời thế đôi khi cũng tạo nên văn nghiệp.
Nhà văn Phan Văn Tạo, cũng từng là quan huyện, hoàn cảnh tuiy không giống Nguyễn Hữu Chì; nhưng nhờ vào mấy truyện ngắn đăng trong tạp chí Bách Khoa - sau Nam Chi ấn hành thành tuyển tập, với tựa đề Chiếc bong bóng lợn , nên cũng nổi tiếng1 thời. Phan Văn Tạo dáng điệu thanh lịch ăn nói hoạt bát, vui vẻ. Sự kiêu căng không biểu lộ ra ngoài, nhưng nó tiềm ẩn trong khóe mắt, giọng cười. Có 1 thời, nhà văn này nắm Bộ Thông tin trong tay * Nói cho đúng, tôi cũng yêu lối viết của Phan Văn Tạo . Nó đơn sơ, thự thà, dễ hiểu, nhất là không dùng văn chương để làm dáng.
-----
* chính xác là Tổng giám đốc Thông tin - trước đó ( 1960 ) làm đổng lý Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu- mà chủ soái nhóm Hàn Thuyên Nguyễn Đức Quỳnh là cố vấn của bộ trưởng Hiếu . Khi ông Tạo đem ký tặng
Cái bong bóng lợn , ông Quỳnh, ngài cố vấn phán : " ... anh mới được hưởng 1 /2 vinh quang mà thôi, vì anh chỉ nới là nhà văn tài tử, chưa biết khổ đau là gì ! ". Ông Tạo di tản sang Pháp sau chính biến 75, và qua đời tại đó. ( TP )
----
Nơi đây , còn có sự qua lại của đại sứ Phạm Trọng Nhân , mỗi lần từ nước ngoài trở lại Việtnam vì công vụ. Phạm Trọng Nhân, con người dễ mến , tuy là đại sứ, quyền cao, chức trọng - nhưng gặp anh em lại xuề xòa, coi mình như cũng như anh em. Phạm Trọng Nhân viết cũng dí dỏm lắm. Cuốn Những nỗi vui buồn của nghề ngoại giao được mọi người tán thưởng, vì anh dám nói thẳng, nói thực cái nghề : đưa người cửa trước rước người cửa sau , cũng chẳng tốt đẹp gì ! Ông đại sứ nhiều khi cũng như hoàn cảnh cô gái lầu xanh thôi ! []
( còn tiếp, kỳ 24 )
tạ tỵ
( Thằng Mõ xuất bản, San José USA, 1990 - tr. 262 )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét